Tờ Independent của Anh trích báo cáo của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) về danh mục khủng bố toàn cầu cho hay 30 nhóm khủng bố và 12 nhóm khác tuyên bố ủng hộ và cam kết hỗ trợ cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Các nhóm này đang thực hiện việc “chia lửa” với IS nhằm phân tán sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
IEP cho biết thêm, nhóm Ansar al-Sharia đã gây ra một số vụ khủng bố, nhường căn cứ của nhóm cho IS mở rộng lãnh thổ đến Libya. Trong khi đó, tiểu đoàn Okba Ibn Nafaa ở Tunisia là nơi tổ chức huấn luyện và cung cấp một số tay súng cho IS. Ansar Beit al-Maqdis ở bán đảo Sinai, Ai Cập được cho là đã thực hiện vụ đánh bom máy bay chở khách của hãng Metrojet, Nga khiến 224 người thiệt mạng.
Trong khi đó, phong trào Hồi giáo ở Uzbekistan và nhóm Abu Sayyaf ở Indonesia cũng tuyên bố trung thành với IS. Một số nhóm ủng hộ IS cũng xuất hiện ở Algeria và dải Gaza. Một số nhóm Hồi giáo ở Afghanistan và Pakistan đã gửi các tay súng đến Iraq và Syria để chiến đấu cùng IS.
Sức mạnh và sự tàn bạo của IS đã đẩy cuộc sống người dân như vào chốn địa ngục cũng như gây ra mối nguy hiểm trên toàn cầu, nay lại thêm sức mạnh của các nhóm ủng hộ khiến thế giới phải đứng trước thách thức chưa từng có trong cuộc chiến chống khủng bố.
Cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria đã có những bước tiến nhất định, khu vực mà tổ chức này chiếm đóng đang thu hẹp. Tuy nhiên, việc tiêu diệt tận cùng IS xem chừng vẫn là một cuộc chiến nan giải đối với nhân loại.
Trung Đông - tâm điểm của khủng bố
Báo cáo của IEP cho biết thêm, khủng bố toàn cầu đạt mức cao chưa từng có và tốc độ tiếp tục gia tăng. Trong năm 2014, 32.658 người thiệt mạng vì các hoạt động khủng bố, tăng 80% so với năm 2013.
Kể từ đầu thế kỷ 21 đến nay, số người chết vì khủng bố tăng đến 9 lần. Số người chết tập trung chủ yếu ở Iraq, Syria, Afghanistan, Pakistan và Nigeria.
Theo IEP, 5 tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới năm 2014 gồm: Boko Haram, IS, Taliban, nhóm chiến binh al-Fulani và Shabaab. 5 nhóm này chịu trách nhiệm đến 74% các vụ khủng bố trên toàn thế giới. Trong 10 vụ tấn công đẫm máu nhất năm 2014, 5 vụ diễn ra ở Nigeria và đều do Boko Haram thực hiện.
Không chỉ tập trung vào các vụ khủng bố ở Trung Đông, chủ nghĩa khủng bố đang vươn vòi ra toàn thế giới, đặc biệt là châu Âu. Vụ tấn công đẫm máu ở Paris đêm 13/11 gióng lên hồi chuông báo động về khủng bố ở châu Âu cũng như toàn thế giới.
Vụ xả súng mới đây ở bang California, Mỹ, với các nghi phạm tuyên bố ủng hộ thủ lĩnh IS, góp phần làm cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trở nên phức tạp hơn.
Bất đồng trong cuộc chiến chống IS
Sự bành trướng của IS khiến cả thế giới đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế lại không thực sự đồng thuận trong việc chống lại tổ chức này. Cuộc chiến chống IS đang chịu những chia rẽ vì xung đột lợi ích giữa các bên liên quan.
Hiện nay ở Syria có nhiều nhóm chiến đấu với mục đích khác nhau. Liên minh do Mỹ dẫn đầu một mặt chống IS, một mặt hậu thuẫn cho phe đối lập chống lại quân đội chính phủ Syria. Trong khi đó, Nga ủng hộ cho Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc chiến với IS và phe đối lập.
Pháp đã gia tăng tần suất không kích sau vụ tấn công đẫm máu ở Paris nhưng vẫn giữ quan điểm lật đổ Tổng thống Assad. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên trong liên minh, nhưng sự tham gia của Ankara chủ yếu tập trung vào vấn đề người Kurd.
Đặc biệt, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga, mâu thuẫn giữa Nga và NATO tiếp tục trở phức tạp hơn. Khả năng Mỹ và Nga bắt tay trong cuộc chiến chống IS trở nên khó khăn hơn sau sự cố Su-24.
Ngày 9/12, Reuters dẫn lời Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đã sẵn sàng điều động trực thăng tấn công AH-64 Apache trợ giúp Iraq chống IS. Động thái của Lầu Năm Góc cho thấy Washington muốn can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến chống IS.
Ngay với Iraq và Syria, 2 quốc gia đang nhận sự trợ giúp từ bên ngoài để chống IS cũng bắt đầu thấy “khó chịu” với các hoạt động quân sự. Trong một tuyên bố ngày 5/12, Tổng thống Iraq Fouad Massoum kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ “ngay lập tức” rút các lực lượng quân sự và yêu cầu Bộ Ngoại giao Iraq có những biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và độc lập của đất nước, Reuters đưa tin.
Theo Tổng thống Massoum, việc Thổ Nhĩ Kỳ điều quân gần thành Mosul là “vi phạm quy tắc và luật pháp quốc tế”, đồng thời hành động này sẽ gây căng thẳng trong khu vực. Chính phủ Iraq cũng lên án việc Mỹ điều động lực lượng đặc nhiệm đến nước này và gọi đó là “hành động thù địch”.
Một số chuyên gia nhận định rằng, nếu không đạt được sự đồng thuận, cuộc chiến chống IS có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát và biến thành cuộc đại chiến thứ 3 của nhân loại.