1. Sau khi đóng chung với Nhã Phương trong 49 ngày, nhiều người hay hỏi tôi về cô ấy, diễn xuất thế nào, cá tính ngoài đời ra sao… Cá nhân tôi nhận xét, Nhã Phương có lối diễn nhẹ nhàng, tinh tế, ngoại trừ tiếng thoại không được tốt.
Tôi cũng thấy lạ là ở ngoài đời nhìn Nhã Phương nhìn bình thường lắm nhưng khi diễn rất đẹp. Mình nhìn thấy thương, thấy yêu liền, muốn chạy đến ôm ngay lập tức, nhưng trong phim thôi à nha! (cười)
Tôi thừa nhận mình là người dễ say nắng và rất yêu cái đẹp. Đang đi ngoài đường, nhìn thấy cô gái đẹp tôi cũng xao xuyến lắm nhưng không bao giờ “gục ngã”, vì người phụ nữ của mình đang chờ ở nhà rồi. Tôi không thích um sùm trên báo chí rằng quen cô này, cô kia. Bảo đảm chưa có anh chị nhà báo nào thấy Trường Giang đi với bạn gái, mà nếu “xui” bắt gặp thì đều phải giật mình hết…
Trong nghề cũng có nhiều tin đồn về giới tính của tôi, vì nhiều người không thấy Trường Giang đi với bạn gái. Thế nhưng, tôi thì kỵ nhất đi làm dẫn bạn gái theo. Người phụ nữ đó luôn luôn là người phụ nữ bí ẩn. Trường Giang không thích công bố.
2. Hôm lên sân khấu nhận giải Mai Vàng - giải thưởng mà hồi trước, mỗi lần qua nhà anh Hoài Linh chơi, tôi đều thèm thuồng, ước ao - chú Sáu Bảo Quốc đã mắng tôi khi thấy tôi phát biểu:“Bây giờ có chết, tôi cũng cam lòng”.
Là thực tâm tôi nói vậy, bởi tôi chỉ là một thằng nhà quê, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, lên phố như bao người nuôi hy vọng đổi đời. Những ngày còn nằm hè phố, ngó nắng chiều tan trong dòng xe nhộn nhịp, trong giấc mơ đời mình, tôi cũng không dám hình dung mình có được ngày hôm nay. Có lúc tôi vẫn giật mình, không nghĩ mình đã trở thành một người nổi tiếng.
Nhắc chuyện ngày xưa, hóa ra mình lẩn thẩn, chứ ngày đó, nhà tôi nghèo tới nỗi sống hôm nay biết hôm nay, chạy gạo bữa trước đã nghĩ bữa sau ăn gì. Mơ ước là cái gì đó xa xỉ lắm. Mấy anh em tôi không có nổi đôi dép lành lặn. Áo thì đứa trước mặc cho khéo, để lại cho đứa sau. Tôi gầy đét và đen nhẻm, sau giờ học thường theo lũ bạn vào rừng cao su lượm củi và mót cao su rơi lại.
Học hết lớp 12, ba muốn tôi thi vào Sư phạm cho ổn định, một phần đỡ đóng tiền học nhưng tôi lại thi trượt. Quanh quẩn ở quê cũng buồn, tôi xin ba lên Sài Gòn kiếm việc làm thêm rồi thi lại. Bạn bè thấy tính tôi lanh lẹ, vui vui nên xúi thi vào trường Sân khấu. Tôi cũng liều đi thử chứ không dám nghĩ cái đứa ốm nhách, đen thui, cùi bắp như mình lại trở thành diễn viên này nọ đâu.
Sau này đi học tôi dần thấy thích, ngày nào cũng cọc cạch đạp xe cả tiếng đồng hồ mới tới trường mà không thấy mệt. Có điều nghèo quá, không có tiền đóng học phí nên sau đó tôi bị đuổi. Hai năm sau, tôi thi lại vào khoa đạo diễn, đậu tiếp mà cũng y vậy. Tôi lang thang đi đóng quần chúng, vai phụ của vai phụ ở các sân khấu, đóng hoài mà đâu ai biết mình là ai đâu…
May sao, một bữa anh Hữu Lộc thấy tôi cũng nhanh nhẹn nên kêu về sân khấu Nụ cười mới với anh. Thời điểm đó, anh Hoài Linh cũng mới về nước và “nổi” dữ lắm. Còn tôi cứ cặm cụi làm rồi bắt đầu được phân vai phụ của phụ, dần dà có 1, 2 câu thoại. Tiếp đó là những vai có số phận.
Anh Lộc thương, diễn đâu cũng cho đi theo. Tôi còn nhớ, xuất diễn vậy, 4, 5 anh em mà cát- xê chỉ chừng hai trăm ngàn. Vậy mà không hiểu sao, ra sân khấu thấy khán giả, nghe tiếng vỗ tay rần rần là tôi lại lao vào quên mình.
Rồi tôi cũng vun vén được cho qua ngày đoạn tháng. Có gì đâu, mình nghĩ đủ là đủ mà thiếu là thiếu. Tủi thân cũng có nhưng tôi không cho phép mình được so sánh, đòi hỏi. Vì tôi ý thức rất rõ, mình chỉ là một đứa “ất ơ”. Không có tôi, bầu trời vẫn xanh, tuồng vẫn diễn, khán giả vẫn vỗ tay rần rần. Chừng nào, không có mình người ta thấy thiếu, tự khắc họ sẽ trả khác và đối xử khác với mình thôi.
3. Không ít người trong nghề nhận xét khả năng diễn của tôi chỉ ở chừng mực nào đó, tôi biết chứ. Thậm chí có người chê, tôi diễn nhàm, diễn chán. Là vì tôi diễn bằng kinh nghiệm, bằng quan sát từ đời sống chứ không có thủ thuật để chọc cười khán giả.
Có lẽ vậy mà khán giả thương một thằng Trường Giang chân chất. Tôi có được ngày hôm nay cũng chính nhờ tình thương yêu đó. Và tôi nghĩ, đó là một trong những điều may mắn nhất tôi có được.
Nổi tiếng dễ khiến mình tự thỏa mãn lắm. Tôi rất sợ một ngày nào đó, mình trở nên ù lì nên lúc nào cũng phải kiếm cái này cái kia làm. Dĩ nhiên, cũng có những cái nằm ngoài dự tính nhưng tôi quan niệm, không bước lên sân khấu thì thôi, còn đã bước ra thì phải diễn bằng cái lửa ngày xưa mà khán giả yêu mến mình.
Anh Chí Tài từng dạy tôi rằng: “Em đừng nghĩ tối đó có 300 khán giả xem, nếu em diễn dở chỉ có 300 người đó biết. Còn có 600 người trong gia đình, rồi bạn bè của họ nữa. Một đồn mười, mười đồn trăm”.
Mình lỡ diễn dở, sau này khán giả nghe tên mình, chán xem luôn. Dĩ nhiên, không phải lúc nào mình diễn cũng hay được, nhưng khi bị chùng thì bản thân phải biết dừng lại, kiểm soát để cải thiện. Tôi không muốn cách diễn của mình bị chi phối bởi tiền bạc. Hoặc là ra sân khấu và cháy hết mình, hoặc là không.
Làm diễn viên sướng nhất là lúc khán giả vỗ tay khi mình đứng trên sân khấu thôi, còn lại đều buồn hết. Ngẫm, ông Trời coi vậy mà công bằng ghê. Ông cho mình tỏa sáng trên sân khấu, bước ra triệu người biết, vạn người thương thì buộc mình phải buồn cái này, mất cái kia. Hồi chưa nổi tiếng thì buồn thân phận, lúc khán giả nhớ mặt biết tên rồi thì buồn cách con người ta đối xử với nhau.
Nghĩ hoài cũng không hiểu sao lại vậy nữa! Chắc do vậy nên nhiều người nói nghề này bạc bẽo, nhưng tôi không nghĩ vậy đâu. Mình bước ra, hàng triệu người biết mặt, vạn người nhớ tên, thù lao một đêm diễn nhiều khi bằng cả tuần người ta làm thì bạc là bạc chỗ nào? Ông Trời cho mình tỏa sáng trên sân khấu, những tràn pháo tay thì cũng buộc mình phải buồn để bù trừ.
Thì, ở đời, có cái gì là trọn vẹn đâu?