Giải Trí

Cầu truyền hình 'Đường lên đỉnh Olympia' có vô tình tạo ra áp lực cho các thí sinh?

Ái Kỳ
Chia sẻ

Đến hẹn lại lên, cầu truyền hình Đường lên đỉnh Olympia lại mang niềm vui, trở thành một “dấu ấn mùa hè” đáng nhớ của bao trường, bao thành phố. Tuy nhiên, có hay không việc “chiếc cầu truyền hình” này vô tình tạo ra thêm những lo toan, áp lực?

Việc trải qua những cuộc chiến cam go, dày đặc từ thi tuần - tháng - quý khiến tấm vé đi đến vòng chung kết năm trở nên… quý như vàng và rất đáng để hãnh diện. Niềm hãnh diện này lớn lao đến mức, đủ lan tỏa và sớt chia cho những người xung quanh, thậm chí là cho toàn trường. Vì thế, “cầu truyền hình” trở thành niềm mơ ước không của riêng thí sinh trực tiếp “chinh chiến” mà thành niềm khao khát của cả trường.

Cầu truyền hình về đến trường nào thì trường đó và cả thành phố đó “nở mày nở mặt” với cả nước. Mỗi mùa Olympia chỉ có bốn tên trường được nêu tên, đồng nghĩa với chừng ấy thành phố ít ỏi được lên sóng quốc gia, được giới thiệu về ngôi trường mà “nhân tài” đã theo học, về thành phố mà thí sinh ấy đã sinh ra và lớn lên.

Tết - mỗi năm một lần, chứ cầu truyền hình của Đường lên đỉnh Olympia có khi còn vui hơn Tết khi không phải năm nào cũng có! Bao nhiêu người hân hoan, hãnh diện, sôi sục hy vọng - vậy nên, niềm vui, niềm hân hoan mà “chiếc cầu truyền hình” đem đến cho mọi người là có thật.

Hơn nữa, đây là cách thể hiện sự cổ vũ, đồng hành rõ nét nhất của cơ số những người liên quan mật thiết - thân cận nhất của thí sinh: từ gia đình, bạn bè, thầy cô cho đến các cấp lãnh đạo tỉnh/thành phố. Bước vào một đường đua cam go như Đường lên đỉnh Olympia, sự “hộ tống tinh thần” này là một niềm vui lớn lao của thí sinh, khi họ nhận ra: mình không đơn độc trong “cuộc chiến” giành chiếc vòng nguyệt quế danh giá. Ai trong chúng ta cũng vậy, không riêng gì các thí sinh, đều rất cần sự yêu thương của những người xung quanh, đặc biệt trong những bước ngoặt quan trọng của cuộc đời. Đây là giá trị to lớn nhất của cầu truyền hình mà không ai có thể phủ nhận.

Mỗi lần được nhìn thấy trường mình hò reo tại các điểm cầu qua màn hình, không một thí sinh nào ngăn được xúc động - có người khóc, cũng có người ráng giữ cảm xúc vỡ òa trong ánh mắt rơm rớm. Biết chắc rằng, đó là lúc họ thật sự hạnh phúc! Ngay giây phút các thí sinh được chứng kiến sự cổ vũ từ quê nhà do “cầu truyền hình”, hay nói cách khác chính là sự kì vọng, sát cánh từ hậu phương đem lại, xen lẫn niềm hạnh phúc, thì đâu đó khát khao, lẫn ít nhiều áp lực phải chiến thắng bắt đầu xuất hiện.

Không phải là tất cả, nhưng đối với hầu hết mọi người, việc nhìn thấy sự cổ vũ nồng nhiệt đôi khi… phản tác dụng, dễ bị mất bình tĩnh vì áp lực không phụ lòng mọi người. Đứng trước một vòng thi cam go, kịch tính, yếu tố tâm lý đôi khi là yếu tố quyết định. Đã đi đến vòng chung kết, không ai cần bàn cãi về tài năng lẫn kiến thức của các thí sinh, vì thế người chiến thắng cuối cùng đôi khi là người có… tinh thần thép nhất!

Đứng trước những cơ hội lớn mà chiếc vòng nguyệt quế mang lại, giấc mơ Olympia không còn đơn giản là cuộc chơi nữa, mà thực sự là một “cuộc chiến” của những người trẻ có tri thức, bản lĩnh và không-có-quyền-làm-lại. Khác với thi Đại học - dù căng thẳng đến đâu, vẫn có thể thi lại nếu rớt, chung kết của Đường lên đỉnh Olympia chỉ vài tiếng ngắn ngủi, không giải lao: thành - bại, thắng - thua đều định đoạt rõ ràng cho một lần duy nhất.

Với những cô cậu học sinh mà tuổi đời nhiều khi còn ngắn hơn tuổi của “đỉnh Olympia” này, tinh thần thép đến đâu cũng khó tránh khỏi lo lắng, căng thẳng. Đó là điều hoàn toàn bình thường ở lứa tuổi này, đặc biệt là trong các cuộc thi.

Việc thể hiện tình cảm, gửi gắm lời yêu thương trên sóng truyền hình với những giá trị không thể tranh cãi ở trên là điều tốt, cần thiết. Nhưng đôi lúc, do quá nhiều cảm xúc, nên cách thể hiện để các thí sinh cảm nhận được sự cổ vũ nhiệt tình, sự “truyền lửa” lại dễ trở thành sự kỳ vọng quá mức khiến thí sinh vừa bị phân tán tư tưởng, vừa cảm thấy bị áp lực vì: sợ làm người thân, bạn bè, thầy cô phải thất vọng. Thực tế cho thấy, có thí sinh ở ba phần thi đầu rất tốt, nhưng trước phần thi “Về đích”, họ đã bị những câu chuyện cảm động tác động rất mạnh đến tâm lý, khiến cảm xúc dâng trào, chưa kịp lấy lại tinh thần, chưa đủ thời gian tập trung cao độ thì đã phải đối mặt với phần thi gần như khó nhất, cho nên, có những bạn đã “ngã ngựa”.

Một lần nữa, không thể phủ nhận những giá trị mà “cầu truyền hình” đem lại cho các kỳ Olympia. Nếu đặt câu hỏi “Cầu truyền hình có cần hay không?”, thì câu trả lời sẽ là: “Nhất định là cần, nhưng…!”. Nhưng phải nhìn nhận: Như trên sân cỏ, vẫn có những trận thua dù cổ động viên rất nhiệt tình, hùng hậu, trên “sàn đấu Olympia” - nơi cần lắm sự tập trung toàn lực, nhiều thí sinh tài năng đã đánh mất chiếc vòng nguyệt quế vì nhiều lí do, mà trong đó, biết đâu là một phần do sự “kỳ vọng” từ các cổ động viên - vốn là những người thương yêu và chân thành nhất, được truyền đến các thí sinh thông qua cầu truyền hình.

Nằm trong thời lượng lên sóng của vòng chung kết, để hạn chế ngắt quãng sự tập trung của thí sinh khi trong lúc thi mà phải tạm dừng để dõi theo diễn biến tại điểm cầu, thiết nghĩ cầu truyền hình có thể được quay theo hình thức “giả live” hoặc phóng sự hậu trường và chiếu trước khi các thí sinh bước vào “cuộc chiến”.

Ngoài ra, những chia sẻ chân thật từ các vị phụ huynh bên dưới hàng ghế khán giả sẽ mang lại nhiều cảm xúc tích cực cho các thí sinh, hơn là các câu hỏi và câu trả lời chỉn chu được lên kịch bản trước tại các điểm cầu. Đã đến lúc hạn chế tối đa những tác động làm thí sinh mất tập trung và tiết chế những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thí sinh, để cầu truyền hình là một dấu ấn trọn vẹn của Đường lên đỉnh Olympia.

Chia sẻ

Bài viết

Ái Kỳ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất