Sức khỏe

Quá thời hạn tiêm mũi 2 có giảm hiệu quả của vaccine COVID-19?

Linh Chi
Chia sẻ

Trong trường hợp tiêm mũi 2 chậm hơn khuyến cáo cũng sẽ không ảnh hưởng hiệu lực của vaccine.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hầu hết vaccine ngừa COVID-19 đều tiêm 2 liều (khoảng cách giữa 2 liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất). Cụ thể:

Vaccine AstraZeneca: Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa hai mũi là từ 8 - 12 tuần.

Vaccine Sputnik V: Lịch tiêm gồm 2 mũi, mũi 1 cách mũi 2 là 3 tuần.

Vaccine Comirnaty của hãng Pfizer: Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi là 3 tuần (21 ngày).

Vaccine Vero Cell: Mũi 1 cách mũi 2 là 3 - 4 tuần.

Vaccine Moderna: Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi là 28 ngày, hiện tại nhà sản xuất khuyến cáo mỗi người tiêm tối đa 2 mũi.

Mặc dù đã có hướng dẫn của nhà sản xuất nhưng trước tình trạng khan hiếm vaccine, nhiều người đã tiêm mũi 1 nhưng quá thời hạn vẫn chưa được tiêm mũi 2. 

Vaccine AstraZeneca. Ảnh minh họa

Từ đó, nhiều câu hỏi được đặt ra rằng, trong trường hợp này thì có phải tiêm lại mũi 1 hay không? Việc tiêm mũi 2 không đúng khoảng cách thời gian khuyến cáo của nhà sản xuất liệu có ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của vaccine hay không?

Giải đáp những thắc mắc trên, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia - cho biết trên Lao Động, trong trường hợp thời gian tiêm chậm hơn 12 tuần thì người tiêm cũng không phải tiêm lại từ đầu, vì sẽ không ảnh hưởng hiệu lực của vaccine. Đến nay, chưa có thời gian tối đa của việc chậm tiêm mũi 2 là bao nhiêu.

Về vấn đề tác dụng của vaccine COVID-19 có còn hiệu quả khi đã quá thời hạn tiêm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, PGS Hồng cho biết, kể cả khi mũi 2 của AstraZeneca được tiêm chậm hơn 12 tuần cũng sẽ không ảnh hưởng hiệu lực của vaccine. Đến nay, chưa có thời gian tối đa của việc chậm tiêm mũi 2 là bao nhiêu.

PGS.TS Hồng khuyến cáo, trong trường hợp bị tiêm chậm mũi 2, các cá nhân, đơn vị cần khẩn trương làm liên hệ, làm công văn đề nghị tiêm mũi 2 gửi đến các đơn vị đã thực hiện tiêm mũi 1 trước đó để nhanh chóng thực hiện tiêm mũi 2. Đơn vị tiêm chủng cần cố gắng sắp xếp thời gian tiêm sớm nhất cho những trường hợp này.

Điểm tiêm chủng cộng đồng tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, quận 11, TP.HCM. Ảnh: Độc Lập/ Thanh Niên

Cũng liên quan thắc mắc trên, ThS. Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh - Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - lý giải trên VnExpress, một nghiên cứu chuyên sâu thực hiện tại Anh về khoảng cách giữa 2 mũi của vaccine Pfizer đã tạo ra đáp ứng miễn dịch tạo kháng thể và đáp ứng của tế bào lympho T. Đây là tế bào rất quan trọng đối với trí nhớ miễn dịch dài hạn và giúp tạo ra kháng thể.

Nghiên cứu được thực hiện trên hơn 500 nhân viên y tế, đánh giá mức độ kháng thể và lượng tế bào T sau hai liều vaccine Pfizer với khoảng cách thời gian giữa 2 mũi ngắn (3 - 4 tuần, trung bình 24 ngày) và dài (6 - 14 tuần, trung bình 70 ngày).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, đối với nhóm có khoảng cách tiêm dài, nồng độ kháng thể giảm đáng kể giữa liều đầu tiên và liều thứ 2. Đặc biệt, nồng độ kháng thể trung hòa chống lại biến thể Delta tạo ra kém hơn sau khi dùng một liều duy nhất và không được duy trì trong khoảng thời gian trước liều thứ hai.

Tuy nhiên, tế bào T được duy trì tốt giữa liều đầu tiên và liều thứ 2. Sau 2 liều vaccine, nồng độ kháng thể trung hòa cao gấp đôi. Khoảng thời gian tiêm 2 mũi vaccine dài hơn dẫn đến mức kháng thể trung hòa cao hơn sau liều thứ 2, giúp cơ thể chống lại biến thể Delta và các biến thể khác.

Bác sĩ Minh cũng cho biết: "Bất kể lịch tiêm vaccine như thế nào, nghiên cứu cho thấy mức độ kháng thể và tế bào T thay đổi đáng kể ở mỗi cá nhân. Kết quả còn phụ thuộc vào di truyền, tình trạng sức khỏe cơ bản và quá khứ từng tiếp xúc với COVID-19 và các loại virus khác hay không".

Chia sẻ

Bài viết

Linh Chi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất