Vào khoảng 10h15 sáng 5/9, đồn cảnh sát quận Meng, tỉnh Chonburi, Thái Lan, nhận được tin báo có một người phụ nữ khỏa thân đang gây rối trên đường Sukhumvit. Sau khi tiếp nhận thông tin, cảnh sát nhanh chóng tới hiện trường để xử lý vụ việc.
Khi đến nơi, cảnh sát nhìn thấy một người phụ nữ không mảnh vải che thân đứng giữa đường. Thấy cảnh sát đến, người phụ nữ này càng kích động hơn và liên tục hét lên: “Tôi bị nhiễm Covid-19”.
Do người phụ nữ này nói rằng cô ta bị nhiễm Covid-19 nên không ai dám tới gần. Cảnh sát liên tục thuyết phục người phụ nữ đi tới trung tâm y tế, nhưng cô không nghe mà còn cố lao ra giữa đường, thoát khỏi vòng vây của cảnh sát khiến giao thông bị ùn tắc.
Tình trạng này kéo dài khoảng 1 tiếng. Sau đó, các nhân viên y tế đã mặc đồ bảo hộ đến khống chế người phụ nữ, đưa cô tới bệnh viện để làm xét nghiệm xem liệu cô có nhiễm Covid-19 thật hay không và kiểm tra sức khỏe.
Qua điều tra, người phụ nữ này tên là Atchara Saichonphithak (58 tuổi) sống tại Saensuk Subdistrict, quận Meng. Có lẽ do bị căng thẳng quá mức và rối loạn tâm lý vì bị nhiễm Covid-19 nên người phụ nữ mới có hành động xấu hổ như vậy.
Covid-19 không chỉ gây tổn thương phổi, đường hô hấp, não bộ mà còn có thể khiến bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc, rối loạn tâm thần. Các biểu hiện rối loạn tâm thần có thể bao gồm:
- Rối loạn ăn uống
- Rối loạn giấc ngủ
- Trầm cảm
- Lo âu
- Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD - post traumatic stress disorder)
- Có ý tưởng, hành vi tự sát,
- Rối loạn hành vi như cờ bạc, nghiện game, lạm dụng chất: rượu, ma túy
- Tổn thương thực thể não dẫn đến giảm sút trí nhớ, sa sút trí tuệ,..
Theo thống kê ở Mỹ, bệnh nhân Covid-19 sau khi điều trị Covid-19 thì có tới 40% bị trầm cảm lo âu, 36% rối loạn giấc ngủ, 32% rối loạn ăn uống, 42% số bệnh nhân sau thở máy bị rối loạn stress sau sang chấn. Như vậy, có thể thấy rằng ảnh hưởng của đại dịch với sức khỏe tâm thần là rất lớn.
Thế nhưng, không chỉ bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới bị rối loạn tâm lý mà ngay cả những người bình thường cũng có thể mắc phải triệu chứng này. Đó có thể là trẻ em đi cách ly mà không được gần bố mẹ; những người có người thân mắc bệnh hoặc mất mát người thân; hoặc do bị hạn chế hoạt động thể lực, sinh hoạt tập thể, căng thẳng khi học online,… mà bất kỳ đối tượng nào cũng có thể bị rối loạn tâm lý trong đại dịch này.
Nếu bản thân và người nhà bị rối loạn tâm lý, bạn nên giữ bình tĩnh, đừng để hoang mang bởi những tin đồn không chính xác. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý tới thói quen sinh hoạt lành mạnh như ăn uống đủ chất, vận động cơ thể và tìm cách thư giãn tinh thần bằng việc nghe nhạc, xem phim, giữ liên lạc với bạn bè,..