Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế, số ca Covid-19 trên cả nước đang tăng cao. Cụ thể, vào ngày 6/3, số ca đã lên mốc trên 142.100 ca, trong đó Hà Nội gần 30.000 ca, TP.HCM xấp xỉ 3.000 ca.
Trước tình hình này, số lượng F1, F0 tại các tỉnh thành đều gia tăng. Tuy nhiên, có một số trường hợp F1 đã tiếp xúc với rất nhiều F0 nhưng vẫn ... âm tính. Tình trạng này đã được một số người phản ánh, chia sẻ trên các diễn đàn về y tế.
Trả lời Zing News, TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM, cho biết trường hợp âm tính sau khi tiếp xúc nhiều F0 hiện nay có thể từ nhiều nguyên nhân, thậm chí chưa phát hiện ra.
Theo vị chuyên gia này, trường hợp dễ xảy ra nhất là những người mang virus nhưng không biểu hiện triệu chứng. Họ đã từng nhiễm virus, vì không phát hiện triệu chứng nên thời điểm xét nghiệm có thể đã khỏi và cơ thể đang được hệ miễn dịch bảo vệ tốt. Khi đó, test nhanh vẫn âm tính.
Trường hợp thứ hai là những người có hệ miễn dịch tốt. Virus đã xâm nhập nhưng bị tiêu diệt ngay hoặc không bao giờ đủ sinh sôi tới ngưỡng phát hiện của các xét nghiệm.
Trường hợp thứ ba là những người có tế bào T hoặc kháng thể sinh ra do có lịch sử tiếp xúc loại coronavirus khác hoặc một số virus như cúm mùa.
Những yếu tố này có thể xuất hiện ngay trong xoang mũi và tiêu diệt virus trước khi có thể tái bản. Do đó, những người này không bị nhiễm bệnh, cũng không có kháng thể đặc hiệu cho SARS-CoV-2 trong máu.
Ở Anh, một cuộc khảo sát cho thấy 15% nhân viên y tế của London thường xuyên tiếp xúc bệnh nhân mà không bị nhiễm nhờ phát triển tế bào T nhiều và đặc hiệu với SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, người dân không nên chủ quan. Có khá nhiều câu chuyện về những cá nhân tiếp xúc liên tục bệnh nhân trong 1-2 năm không mắc bệnh rồi đột nhiên dương tính không phát hiện ra nguồn lây.