Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sống khỏe

Tự test nhanh ở nhà cần lưu ý những điều này nếu không muốn bị sai lệch kết quả

Một số quận, huyện tại TP HCM đã bắt đầu thực hiện thí điểm cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 (test nhanh COVID-19) tại nhà bắt đầu từ 22/8. Nhiều người dân mắc phải những sai lầm dễ gặp phải khi test nhanh, bác sĩ Trương Hữu Khanh đã có những chia sẻ cụ thể về điều này.

Theo đó, ngày 22/8, một số quận, huyện ở TP.HCM đã bắt đầu thực hiện thí điểm cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 (test nhanh COVID-19) tại nhà.

Cán bộ y tế quận, huyện sẽ phối hợp với UBND các xã, phường đến nhà người dân hướng dẫn cụ thể các bước và quy trình, sau đó cho người dân có thể tự tiến hành test nhanh tại chỗ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM).

Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn hay gặp phải những sai sót trong quá trình thực hiện test nhanh, sẽ dễ gây sai lệch kết quả. Trước vấn đề trên, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), đã có những tư vấn, chia sẻ vô cùng hữu ích.

Những điều cần lưu ý khi thực hiện test nhanh để tránh dẫn tới sai kết quả

Bác sĩ Khanh: Sai sót thứ nhất là có khả năng mình đưa que test vào trong mũi chưa sâu đến mức yêu cầu. Tuy nhiên với chủng Delta, tỉ lệ kết quả sai do đưa que test vào mũi chưa đủ sâu là rất thấp vì lượng virus của chủng này rất nhiều.

Sai sót thứ 2 là mình cho que test vào mũi nhưng que bị gập ở bên trong mũi, điều này dễ gây nhầm lẫn rằng que test đã vào tới nơi rồi. Chính vì vậy, mình nên cho que test vào từ từ, không cần gấp gáp. Khi mình cho que test vào mũi, mình cảm thấy nóng rát chút phía bên trong là được. Điều này cũng an toàn trong việc lây chéo.

Test nhanh với test PCR khác nhau thế nào, độ chính xác chênh lệch ra sao?

Bác sĩ Khanh: Nếu chúng ta làm test nhanh tại nhà, hai lần liên tiếp cách nhau từ 3- 7 ngày thì kết quả gần bằng với PCR. Test nhanh làm rất nhanh và tất cả mọi nơi đều có thể làm.

Ai cũng có thể tự lấy mẫu test nhanh. (Ảnh minh hoạ).

Nếu chúng ta chỉ dựa vào PCR thì kết quả quá chậm. Nếu làm xét nghiệm PCR thì người làm xét nghiệm không nên đi đâu hết chỉ ở một chỗ để chờ kết quả. PCR càng gộp sẽ càng chậm, PCR đơn chắc chắn sẽ có giá thành cao hơn test nhanh.

PCR cũng phải đi mua máy về để thực hiện, chính vì vậy, test PCR người dân không tự làm được mà chỉ tự lấy mẫu được. Theo tôi, PCR chỉ làm khi cần thiết, chỉ làm khi người đó là bệnh nhân nằm trong bệnh viện không đi đâu hết thì nên phải dùng PCA.

Một số người sợ và không thể lấy được mẫu test tại mũi thì có lấy ở họng được không?

Bác sĩ Khanh: Cho tới hiện nay trên thế giới có nhiều ý kiến cho rằng, nơi nhiều virus nhất là nước miếng, đặc biệt là nước miếng ở dưới lưỡi. Nhưng vì nhà sản xuất hướng dẫn là lấy ở mũi thì mình lấy mũi. Còn theo bản thân tôi thì lấy chỗ nào cũng vậy, đặc biệt là trẻ em ngoáy vào mũi nó rất khó chịu.

Đối với người lớn thì nên cố gắng lấy mũi cho đúng theo nhà sản xuất bởi vì người lớn chỉ cần hợp tác một chút thôi, chỉ cần để ý một chút là lấy mũi được.

Khi lấy cho người nhỏ tuổi, lấy ở họng cần lưu ý điều gì để không lấy sai cách?

Bác sĩ Khanh: Nếu mình lấy mẫu ở trẻ em nhỏ thì cần giữ đầu vì trẻ em thường sẽ không hợp tác. Do vậy cần giữ đầu thật chặt xong rồi tiến hành lấy mẫu. Nếu không giữ chặt đầu là chắc chắn sẽ lấy sai.

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Sforum.vn).

Nên mua bộ test nhanh ở đâu?

Bác sĩ Khanh: Phải xem thương hiệu đó Bộ Y tế đã đồng ý cho lưu hành chưa vì bộ test nhanh nào cũng có thương hiệu. Những nơi phong toả giãn cách thì có thể mua trên mạng người ta chuyển đến. Nếu được, ta vẫn có thể mua ở các tiệm thuốc tây những tiệm thuốc Tây khi họ nhập về thường sẽ có hoá đơn. Theo tôi, những bộ test nào ngành y tế đã cho phép là ta có thể sử dụng không cần phải lựa chọn nhiều vì không phải lúc nào cũng có.

Trường hợp nào không nên tự lấy mẫu test nhanh?

Bác sĩ Khanh: Người trưởng thành, ai cũng có thể lấy mẫu test nhanh tại nhà.

Sau khi có kết quả test nhanh cần làm gì?

Bác sĩ Khanh: Trong trường hợp âm tính, thì vẫn phải tuân thủ đầy đủ khuyến cáo 5k của Bộ Y tế. Kể cả xét nghiệm PCR âm tính vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt.

Trường hợp có kết quả dương tính thì phải đánh giá ngay trong gia đình hiện nay có bao nhiêu người. Trong đó có bao nhiêu người có nguy cơ mắc bệnh, với những trường hợp này cần áp dụng ngay các biện pháp phòng bệnh.

Sau khi đã đánh giá được nguy cơ, cần thực hiện test nhanh hoặc cách ly người có nguy cơ tuỳ vào mức độ tiếp xúc. Sau đó ta tự đánh giá mình có thuộc nhóm điều trị cách ly tại nhà hay không. Nếu không cần liên hệ ngay nhân viên y tế để được đi cách ly tập trung.

Rác thải test nhanh xử lý thế nào?

Bác sĩ Khanh: Rác thải của test nhanh không nguy hiểm, bởi vì virus đã bị vô hiệu hoá, không có khả năng lây nhiễm.

Đối với test PCR thì dung dịch đó nuôi được virus. Chính vì vậy, rác của PCR, đặc biệt là dung dịch phải xử lý như một nguồn lây virus.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Long Quyền

Được quan tâm

Tin mới nhất