Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương và các đơn vị y tế vẫn ngày đêm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Trước tình trạng dịch bệnh có diễn biến phức tạp, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) đã có những chia sẻ hữu ích về những điều cần biết, lưu ý khi chăm sóc trẻ em, phụ nữ mang thai và người cho con bú mắc Covid-19.
Trẻ em có dễ bị các triệu chứng nặng khi mắc Covid-19 không?
Trẻ em, phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú là ba nhóm đối tượng ít bị lây nhiễm Covid-19. Tuy nhiên khi số ca mắt ngoài cộng đồng tăng cao thì nhóm ít bị lây nhiễm này cũng sẽ có nguy cơ rất cao mắc Covid-19.
Trên thực tế, trẻ em rất khó bị bệnh vì trẻ em ít đi ra ngoài, tuy nhiên tại các khu phố phong tỏa thì trẻ em là đối tượng dễ bị lây nhiễm trước rồi mang về gia đình. Bởi vì, tại một số khu phố phong tỏa trẻ em có thể vô tình chạy lung tung rất là nguy hiểm. Người lớn trông coi chỉ có thể nhắc nhở được phần nào, trong lúc trẻ nô đùa thì rất khó kiểm soát được hết.
Chính vì vậy phải chú ý các em nhỏ nhiều hơn, đặc biệt là trong khu vực phong toả. Cho đến hiện nay tỉ lệ trẻ em mắc Covid-19 so với người lớn là rất thấp. Khi trẻ mắc Covid-19, đa phần đều có triệu chứng nhẹ.
Trường hợp trẻ mắc nặng thường rất ít, trẻ nào bị nặng là do đã có tiền sử mắc bệnh từ trước, những em chậm phát triển hoặc viêm phổi từ trước. Trường hợp thứ hai mà trẻ em có thể bị nặng là do quá thừa cân, béo phì, đối tượng này rất có nguy cơ bị triệu chứng nặng.
Chính vì vậy khi có em nhỏ trong nhà mắc bệnh mọi người cần xác định xem bé có thuộc một trong hai nhóm nguy cơ ở trên mà có thể bị nặng hay không.
Khi trẻ mắc Covid-19 điều trị tại nhà nên làm gì?
Thông thường khi trẻ mắc Covid-19 thường rất nhanh khỏi bệnh, giảm các triệu chứng nhanh chứ không như người lớn. Chúng ta sẽ chăm sóc như trẻ bị cúm thông thường.
Khi có biểu hiện sốt cao trên 38,5 độ C thì cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, tuỳ theo lứa tuổi, cân nặng. Tuy nhiên, mọi người nên lưu ý thuốc uống cho trẻ ở dạng chai thì nên sử dụng theo cân nặng của con trẻ, không nên sử dụng theo tuổi vì có trẻ nặng cân, trẻ nhẹ cân.
Do đó, trường hợp trẻ nặng cân mà ta sử dụng thuốc chưa đủ liều thì rất khó để hạ sốt và sẽ gây lo lắng thêm. Khi trẻ bị ho thì ta sử dụng thuốc ho theo lứa tuổi trường hợp em bé từ hai tuổi trở lên thì ta có thể sử dụng thuốc tân dược được. Khi trẻ mắc Covid-19 mà đang phải điều trị một số loại bệnh khác thì ta vẫn cho trẻ uống thuốc điều trị như bình thường, không cần dừng thuốc.
Chăm sóc trẻ mắc Covid-19 tại nhà, khi nào thì cần liên hệ bệnh viện?
Trẻ nhỏ mắc Covid-19 thì thường hay bị tiêu chảy, trường hợp này ở người lớn cũng xảy ra nhưng sẽ về những ngày sau của chu kỳ bệnh. Ở trẻ em, tiêu chảy thường xảy ra và kéo dài trong 4 ngày đầu, trẻ nhỏ tiêu chảy kéo dài hơn 4 ngày thì rất ít, khi rơi vào những trường hợp này, cần liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ thêm.
Khi trẻ thở nhanh, điều này mình có thể dễ dàng quan sát lồng ngực của trẻ mà biết được.
Ở những ngày đầu, cần chuẩn đoán đúng bệnh của trẻ đang mắc phải. Trẻ sốt cao ba ngày mà không thấy giảm nhiệt độ thì rất có thể trẻ đã mắc sốt suất huyết lúc này cần liên hệ với cơ quan y tế để được hỗ trợ ngay.
Để xét nghiệm Covid-19 cho trẻ, ta vẫn có thể sử dụng test nhanh bình thường, với trẻ em quá nhỏ thì có thể lấy mẫu ở miệng, đối với trẻ lớn hơn thì ta lấy mẫu xét nghiệm ở mũi như bình thường để xác định bệnh.
Có nên cho trẻ em mắc Covid-19 điều trị tại nhà không?
Theo cá nhân tôi nghĩ nên chăm sóc, điều trị trẻ em mắc Covid-19 tại nhà đối với các trẻ không trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng đã nêu trên vì da phần các triệu chứng bệnh ở trẻ em rất nhẹ, chúng ta chỉ cần áp dụng các nguyên tắc theo khuyến cáo theo quy định cho F0 tại nhà như bình thường.
Đeo khẩu trang thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ y tế, nếu trẻ ở một phòng riêng thì vẫn như bình thường. Khi trẻ ở phòng riêng biệt, vẫn có thể bật điều hòa ở nhiệt độ thích hợp cho trẻ ngủ sâu, mát mẻ không cần thiết phải bắt trẻ ngủ quạt không được bật điều hòa vì điều này là không cần thiết khi ở phòng riêng.
Thực hiện cho trẻ ăn riêng, phòng riêng, mọi thứ sinh hoạt, vệ sinh cá nhân tách biệt với gia đình để phòng bệnh. Từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 có thể làm test nhanh, thời gian cũng như người lớn.
Một số bậc phụ huynh thấy con em mắc bệnh thì lo lắng đến mức hoảng loạn, điều đó là không nên. Các bậc phụ huynh nên bình tĩnh, tỉnh táo, trước con em mình cảm cúm, ho sốt như thế nào thì giờ mắc Covid-19 cũng chỉ như vậy và uống thuốc điều trị đúng chỉ định như trước đây.
Phụ nữ mang thai mắc Covid-19 nguy hiểm thế nào, cần chăm sóc sao?
Đa số phụ nữ mang thai thì miễn dịch của họ giảm rất nhiều và nhu cầu cung cấp năng lượng cũng rất lớn. Chính vì hai yếu tố đó nên khi phụ nữ mang thai mắc bệnh Covid-19 thì dễ có triệu chứng nặng.
Đặc biệt, người phụ nữ trên 30 tuổi mang thai thường có triệu chứng bệnh cao hơn người dưới 30 tuổi. Bởi vì, những người này rất dễ bị viêm phổi và có khả năng sinh non, suy dưỡng bào thai rất nguy hiểm.
Phụ nữ mang thai khi được tiêm một mũi vaccine phòng chống Covid-19 thì rất ổn định, chính vì vậy người phụ nữ mang thai rất cần được tiêm chủng phòng bệnh.
Trường hợp không may người phụ nữ mang thai bị mắc Covid-19, ta vẫn có thể chăm sóc điều trị ở nhà. Người phụ nữ sẽ tập thở, ăn nhiều hơn để cung cấp dinh dưỡng, uống đủ nước.
Không nên uống quá nhiều nước trong một lúc vì sẽ khó thở do bụng to, ta nên chia nhỏ ra uống dần trong ngày để bổ xung đủ nước cho cơ thể và không bị khó thở.
Cần liên hệ đến một bác sĩ khoa sản để được tư vấn thêm về các diễn tiến của bệnh.
Phụ nữ mang thai cũng sẽ có các triệu chứng và điều trị như người bình thường. Tuy nhiên, như đã nói về các nguy cơ, nguy hiểm ở trên, nên chúng ta cần phải bổ sung thêm dinh dưỡng thời gian mắc bệnh. Về thời gian kéo dài các triệu chứng cũng sẽ như người bình thường.
Những điều cần biết đối với phụ nữ mang thai mắc Covid-19 điều trị tại nhà
Nên chuẩn bị sẵn những thuốc ho Thảo dược để điều trị ho, huốc ho tân dược thì khi thực sự cần thiết mới nên sử dụng theo khuyến cáo của bác sĩ. Cần chuẩn bị thuốc ho vì phụ nữ mang bầu khi ho sẽ rất mệt do bụng to.
Luôn nhớ uống nước đủ, ăn đủ chất dinh dưỡng, nạp đủ năng lượng cho cơ thể và vận động nhẹ nhàng để tăng cường sức khoẻ. Trường hợp phụ nữ sinh con xong về nhà thì bị lây bệnh, lúc này vẫn điều trị, chăm sóc như người bình thường.
Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, mọi người không nên suy nghĩ quá nhiều dẫn tới hoảng loạn kể cả đối với trẻ em hay phụ nữ mang thai. Cần thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch và thực hiện những biện pháp điều trị đúng cách để sớm khỏi bệnh.