Thói quen ít vận động, ngồi một chỗ trong khoảng thời gian dài của dân văn phòng gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Tư thế ngồi với ít nhất 8 tiếng mỗi ngày có thể là nguyên nhân khiến người làm công việc văn phòng thường xuyên đau mỏi vùng vai cổ, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh xương khớp đặc biệt là thoái hóa đốt sống cổ.
Cột sống là khung nâng đỡ vững chắc, giúp nâng đỡ cơ thể đứng thẳng và linh hoạt trong quá tình vận động hàng ngày. Tuy nhiên, theo Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, việc cột sống cổ có đường cong sinh lý bình thường đóng một vai trò quan trọng nhưng lại thường bị bỏ qua.
Ở nhiều bệnh nhân bị đau cổ, đường cong này bị mất đi, dẫn đến các vấn đề cơ sinh học, mà có thể dẫn đến thoái hóa các đĩa đệm và đặc biệt có thể gây giảm lưu thông máu đến não bộ.
Cổ, lưng và thắt lưng đều là những đường cong hỗ trợ và dung hòa với nhau. Khi đường cong hướng về phía trước được gọi là ưỡn cột sống, về phía sau được gọi là gù cột sống. Đây cũng là hậu quả của một thời gian dài khi người làm việc lâu với cùng một tư thế như dân văn phòng gặp phải.
Những đường cong cân bằng lực của đầu và cho phép bạn đứng với sức cơ tối thiểu. Chúng cũng phân phối cân bằng các lực giữa phía trước của từng đốt sống, nơi mà các đĩa đệm được đặt và phía sau của đốt sống, nơi có các khớp cột sống.
PGS.TS Nguyễn Đình Hòa chỉ ra nguyên nhân phổ biến gây mất đường cong sinh lý là tai nạn giao thông, làm các dây chằng cổ bị hư hỏng. Các nguyên nhân khác diễn biến âm thầm hơn, gồm nhìn xuống quá nhiều để tương tác với điện thoại di động, co thắt cơ thành ngực và cơ thắt lưng do ngồi quá nhiều, hoặc đơn giản là sự lão hoá.
Khi cổ mất đường cong sinh lý bình thường, trọng lượng của đầu không còn được cân bằng bởi đường cong đối lập nối ngay tiếp theo ở phần lưng. Điều này dẫn đến cần huy động nhiều sức mạnh của cơ hơn để giữ đầu thẳng đứng. Điều này cũng làm tăng áp lực lên các đĩa đệm giữa các đốt sống, từ đó có thể dẫn đến thoái hóa đĩa đệm do mài mòn nhiều hơn.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, xử lý tình trạng mất đường cong sinh lý cổ cần thực hiện một số chương trình được thiết kế đặc biệt với từng người bệnh. Một cách hay được sử dụng là trị liệu cột sống và sử dụng máy kéo đặc biệt để sửa chữa các đường cong. Ngoài ra, vật lý trị liệu cũng có thể giãn dài và giải phóng các cơ bắp co cứng ở ngực và xương chậu. Nếu các dây chằng cổ bị hư hỏng, có thể tiêm thẳng vào các dây chằng tiểu cầu hoặc các tế bào gốc để hỗ trợ.