Đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến vô cùng phức tạp.
Theo thống kê từ Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 576.096 ca nhiễm, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.856 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 571.745 ca, trong đó có 335.396 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, công tác tiêm chủng đang được chính quyền các cấp đẩy mạnh để phòng chống dịch. Do vậy, nhiều người thắc các vấn đề tiêm chủng liên quan đến thai phụ và sản phụ đang nuôi con nhỏ.
Trước vấn đề trên, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), đã có những tư vấn, chia sẻ cụ thể về vấn đề này.
Thai phụ đang cho con bú tiêm vaccine có ảnh hưởng gì không?
Bác sĩ Khanh: Vaccine Covid-19 không ảnh hưởng đến sữa mẹ. Người phụ nữ đang cho con bú vẫn có thể tiêm phòng các loại vaccine khác bình thường. Chính vì vậy, không nên suy nghĩ vaccine Covid-19 này có gì đặc biệt. Vẫn tiếp tục tiêm phòng bình thường.
Có những nghiên cứu cho thấy, khi cơ thể người mẹ tạo ra dòng kháng thể để chống lại Covid-19 thì dòng kháng thể này và cả những kháng thể khác có thể đi qua đường sữa truyền cho con. Em bé sau khi bú sữa mẹ cũng sẽ nhận được một lượng kháng thể nhất định, chính lượng kháng thể này cũng giúp trẻ phòng ngừa được Covid-19.
Không cần ngưng cho con bú từ 48 -72 tiếng như các thông tin trên mạng xã hội. Dinh dưỡng bằng sữa mẹ là vô cùng quan trọng với trẻ. Thậm chí việc ngưng cho con bú có khả năng làm mất sữa nên hoàn toàn không cần ngưng cho con bú.
Phụ nữ đang mang thai ở những tháng cuối thai kỳ tiêm vaccine có ảnh hưởng không?
Bác sĩ Khanh: Hiện nay, không may khi người phụ nữ mang thai mắc Covid-19 rất dễ bị nặng, dễ bị biến chứng viêm phổi, dễ ảnh hưởng đến thai nhi.
Trong khi mũi vaccine này gần như không ảnh hưởng gì đến thai nhi cả, trường hợp người mẹ bị các triệu chứng của vaccine hành thì tất cả các thuốc mà uống thông thường để giảm triệu chứng đều sử dụng được hết.
Chính vì vậy, đối với người phụ nữ mang thai, bất kỳ ở giai đoạn thai kỳ nào vẫn nên tiêm phòng Covid-19. Ngay cả khi cơ thể người thai phụ sinh kháng thể thì kháng thể cũng có thể đi qua nhau thai và bảo vệ em bé trước bệnh.
Sản phụ bị tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp thai kỳ có nên tiêm vaccine Covid-19 không?
Bác sĩ Khanh: Tất cả tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp thai kỳ hay nhiễm độc thai nghén đều không có chống chỉ định tiêm phòng vaccine Covid-19. Ta cần phải tiêm vì những người này miễn dịch họ còn giảm hơn là những người có thai, thai kỳ bình thường.
Trước khi tiêm, sau khi tiêm, thai phụ cần lưu ý điều gì?
Bác sĩ Khanh: Thông thường, thai phụ là một cá thể dễ bị tổn thương, hay tưởng tượng ra nhiều thứ. Người thai phụ khi đi tiêm cũng cần chuẩn bị như người bình thường. Không cần chuẩn bị gì đặc biệt hơn.
Quan trọng nhất khi đi tiêm là bảo đảm tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Người phụ nữ mang thai, cố gắng tìm nơi tiêm chủng vì hiện nay chỉ Bệnh viện phụ sản mới thực hiện tiêm phòng cho phụ nữ mang thai.
Thai phụ khi tiêm chủng có cần dừng thuốc đang sử dụng không?
Bác sĩ Khanh: Tất cả những người tiêm chủng đang uống thuốc thì vẫn có thể tiếp tục dùng thuốc, không cần thiết phải ngưng sử dụng loại thuốc nào cả. Đa số các thuốc ta đang sử dụng hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc tiêm chủng và ngược lại tiêm vaccine cũng không ảnh hưởng đến thuốc đang sử dụng.
Phụ nữ mang thai tiêm vaccine tốt hơn hay chờ sinh xong mới tiêm sẽ tốt hơn?
Bác sĩ Khanh: Phải tiêm vaccine sớm nhất có thể, càng tiêm sớm càng tốt, không cần chờ đợi giai đoạn nào cả.