Dịch bệnh sốt xuất huyết chưa hạ nhiệt
Theo thống kê mới nhất từ Bộ Y tế, tính đến cuối tháng 9/2024, cả nước đã ghi nhận 79.727 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 12 ca tử vong. Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, số ca mắc đã giảm 15,5% và số ca tử vong giảm 14 ca.
Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng giảm, nhưng nguy cơ gia tăng ca mắc trong thời gian tới vẫn hiện hữu, đặc biệt là sau bão lũ tại các tỉnh phía Bắc, mưa bão ở miền Trung và mùa mưa ở miền Nam.
Tại Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 9, thành phố ghi nhận gần 3.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm hơn 71% so với cùng kỳ năm 2023, và chưa có ca tử vong nào.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, dịch sốt xuất huyết đang bước vào giai đoạn cao điểm hằng năm, diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11. Thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh.
Tình hình sốt xuất huyết tại TP.HCM có tăng nhẹ so với các tháng trước, nhưng so với chu kỳ năm ngoái và trung bình 5 năm qua, vẫn ở mức thấp. Tổng số ca mắc tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay là 7.337 ca. Các địa phương có tỉ lệ mắc cao bao gồm Quận 1, Quận 7 và TP Thủ Đức.
ThS-BS Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cảnh báo, sốt xuất huyết không loại trừ bất kỳ ai. Phần lớn các ca tử vong do sốt xuất huyết thường do bệnh nhân đến bệnh viện quá muộn hoặc đã có dấu hiệu cảnh báo nhưng bị phớt lờ, do nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh khác.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) những ngày cuối tháng 9/2024, các phòng bệnh có bệnh nhân sốt xuất huyết chiếm phần lớn, đa số các ca bệnh đều ở mức độ nặng, thậm chí nhiều trường hợp phải thở máy.
Theo TS-BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng Khoa Sốt xuất huyết (Bệnh viện Nhi đồng 1) so với giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6/2024, số ca mắc sốt xuất huyết đã có dấu hiệu gia tăng nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Các biện pháp phòng tránh bệnh sốt xuất huyết
Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh sốt xuất huyết là do muỗi truyền, do đó để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, biện pháp tốt nhất nên là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
- Sử dụng một số biện pháp diệt muỗi như: để khăn lau xua muỗi, nhà có trẻ nhỏ cho dùng tã trẻ em xua muỗi.
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
- Thay rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
- Phát quang bụi rậm.
- Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát.
- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
- Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Để phòng chống muỗi đốt
- Đối với trẻ em, không cho trẻ hoạt động ở các nơi có môi trường tối tăm, ẩm thấp, ao tù nước đọng. Ngoài ra, trẻ nên mặc quần áo sáng màu, dùng tã quần xua muỗi.
- Nên buông màn khi ngủ cả ngày lẫn đêm để tránh muỗi.
- Mặc quần áo dài tay.
- Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
- Dùng các sản phẩm khăn lau xua muỗi có hương sả tự nhiên, an toàn khi sinh hoạt ngoài trời, đặc biệt vào buổi tối.
- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
- Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng; nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, dễ dẫn đến tử vong.
Virus Dengue có 4 type là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4, lây truyền từ người bệnh sang người lành qua muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là loài côn trùng trung gian truyền bệnh chính.