Theo tờ Medical News, nhóm nghiên cứu trên đã thu thập mẫu máu từ 358 bệnh nhân tại Nhật Bản có kết quả dương tính với nCoV từ tháng 1 đến tháng 5/2020.
Họ được đo chỉ số kháng thể vào tháng thứ 6 và 12 sau khi khởi phát bệnh. Các tác giả đã phân tích nồng độ kháng thể phản ứng miễn dịch bám vào vùng liên kết thụ thể (RBD) của protein đột biến, protein nucleocapsid (NP) và nAbs chống lại nhiều chủng VOC và VOI. Họ cũng xác định các yếu tố của vật chủ góp phần thế nào vào sự tồn tại của phản ứng kháng thể.
Kết quả, các nhà nghiên cứu quan sát và nhận thấy sau 12 tháng, khả năng bảo vệ của kháng thể trung hòa vẫn duy trì ở mức độ cao trong cơ thể của 61% F0, bất chấp số lượng kháng thể giảm dần theo thời gian. Đặc biệt, các kháng thể có tác dụng cả với biến chủng Delta và Alpha.
Bên cạnh đó, nghiên cứu từ nhóm chuyên gia Nhật Bản đặt giả thuyết những F0 từng trở nặng với tải lượng virus cao có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn so với nhóm bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng.
Ngoài ra, không giống những F0 từng mắc bệnh nặng, người bị bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng có khả năng chống lại các biến chủng đáng quan ngại (như Beta, Alpha, Delta) thấp hơn, mức nAbs giảm cũng nhanh hơn
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu phân tích một số yếu tố như béo phì, hút thuốc - vốn được xem là có thể khiến bệnh nhân Covid-19 dễ trở nặng, nguy kịch. So sánh giữa những người này, một lần nữa, nhóm chuyên gia ở Nhật Bản khẳng định độ mạnh của kháng thể không phụ thuộc các yếu tố này.
Vaccine được xem là phương pháp hiệu quả duy nhất hiện nay để ngăn đại dịch tiếp tục phức tạp. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và giới chức y tế các nước đã cấp phép sử dụng khẩn cấp nhiều loại vaccine. Tuy nhiên, các chiến dịch tiêm chủng cần nhiều thời gian. Sự xuất hiện của các biến chủng khiến nhiều người lo ngại chúng sẽ kháng lại vaccine.