Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, cho biết các bác sĩ nơi đây đã tiếp nhận trường hợp sốc phản vệ do ăn châu chấu.
Theo lời kể của người nhà, cách vào viện 30 phút người bệnh ăn châu chấu rang, sau ăn xuất hiện khó thở, tức ngực nên được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn khám và điều trị.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng trên da toàn thân xuất hiện nhiều ban dị ứng màu đỏ, kích thước 3-5 mm, ngứa; tím môi và đầu chi, khó thở nhanh nông, đau tức ngực, thể trạng mệt mỏi, huyết áp 70/40 mmHg.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ do ăn châu chấu. Các bác sĩ đã ngay lập tức tiến hành cấp cứu cho người bệnh và xử trí theo phác đồ xử trí phản vệ.
Sau cấp cứu, người bệnh tỉnh táo, mạch, huyết áp ổn định, dự kiến có thể ra viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Mai Giang Nam- Trưởng khoa CC-HSTC-CĐ cho biết, sốc phản vệ có thể gặp mọi lứa tuổi, mọi trường hợp và không chỉ do dùng thuốc, có thể ăn thức ăn lạ (tôm, cua, ghẹ, côn trùng...), côn trùng đốt, tiếp xúc chất lạ...
Sốc phản vệ xảy ra bất cứ lúc nào, nếu không được cấp cứu kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Người phụ nữ có mái tóc dài, mất toàn bộ da đầu trong lúc phụ chồng làm điều này
Triệu chứng thường gặp như mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, khó thở, tức ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã kích thích, có thể có tiếng thở rít, rối loạn ý thức, hôn mê, thậm chí tử vong.
Để hạn chế thấp nhất tình trạng dị ứng hay sốc phản vệ xảy ra, người dân nên hạn chế ăn và loại bỏ thói quen ăn châu chấu, nhất là người có cơ địa dị ứng.
"Chỉ ăn một lượng nhỏ như bệnh nhân trên cũng dẫn đến sốc phản vệ, ngừng tim, ngừng thở, rất nguy hiểm", bác sĩ nói.
Bác sĩ khuyến cáo, khi xuất hiện các triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa... thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám xét và điều trị kịp thời.