Ngày 23/8, Bộ Y tế thông tin, Việt Nam đã sẵn sàng thuốc Molnupiravir cho chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc COVID-19 tại nhà và cộng đồng (home-based care).
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất thuốc Molnupiravir trong nước đã sẵn sàng cho việc tài trợ 16.000 liều thuốc đầu tiên (tương đương 320.000 viên Molnupiravir 400mg). Đến ngày 5/9, doanh nghiệp dự kiến cung cấp tiếp 100.000 liều. Như vậy, sẽ có tổng cộng 116.000 liều, tương ứng 2,32 triệu viên từ nguồn trong nước.
Song song đó, lô thuốc Molnupiravir nhập khẩu đầu tiên hơn 300.000 viên 200 mg (đủ cho hơn 7.500 liều) sẽ về Việt Nam trong tối 23/8. Dự kiến, ngày 28/8, thêm 1,7 triệu viên 200 mg đủ cho 50.000 liều cũng được nhập khẩu vào nước ta. Đồng thời, các lô thuốc tiếp theo sẽ được nhập khẩu để sử dụng trong chương trình trong đầu tháng 9.
Theo Bộ Y tế, chiến lược hỗ trợ F0 điều trị tại nhà góp phần giảm tải điều trị, giảm tử vong là yêu cầu được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam.
Trên cơ sở các kinh nghiệm quốc tế, mô hình bệnh tật (gần 80% bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng), Bộ Y tế liên tục cập nhật phác đồ về quản lý, chăm sóc, điều trị, đảm bảo cho bệnh nhân điều trị tại nhà và cộng đồng được tiếp cận điều trị tốt nhất.
Kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir trong điều trị COVID-19 đã công bố tại một số quốc gia cho thấy, thuốc khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp. Thuốc giúp giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong.
Căn cứ kết quả trên và đánh giá giữa kỳ của nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir tại cơ sở y tế, Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM sẽ triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát trường hợp mắc COVID-19 tại nhà và cộng đồng. Dự kiến, chương trình bắt đầu vào ngày 25/8 tại TP.HCM.
Trong chương trình, bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng ở mức độ nhẹ sẽ được cán bộ y tế tư vấn, giải thích về chương trình, nếu đồng ý tự nguyện tham gia bằng văn bản thì được phát 1 túi thuốc home-based care.
Cùng với túi thuốc là tài liệu hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế, Sở Y tế về tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và cách liên lạc với bác sĩ phụ trách, cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện triệu chứng trở nặng.
Sau 5 ngày, tất cả bệnh nhân sẽ được đánh giá về tỷ lệ âm tính với SARS-CoV-2 và tỷ lệ bệnh không diễn tiến sang mức độ nặng hơn. Trong suốt thời gian 14 ngày, bệnh nhân sẽ được theo dõi về triệu chứng của COVID-19 và các tác dụng phụ nếu có của thuốc.
Việc triển khai cũng như kết quả chương trình được đánh giá bởi các chuyên gia, cán bộ y tế theo một đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ (Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã thẩm định, chấp thuận; Bộ Y tế đã phê duyệt).
zhương trình có sự đồng hành, tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, tập đoàn trong nước, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, các Tổ phản ứng nhanh, Trạm y tế lưu động tại các quận, huyện của TP.HCM và các đơn vị liên quan khác.
Trước khi thí điểm diện rộng, từ ngày 16 - 22/8, Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cùng Bệnh viện Phổi Trung ương cho thí điểm diện hẹp với một số bệnh nhân thể nhẹ và vừa để đánh giá.