Các vấn đề sức khỏe tâm thần từ lâu đã được coi là một triệu chứng phổ biến của "Covid kéo dài", nhưng giờ đây, nghiên cứu mới đã tiến xa hơn, phát hiện ra có mối liên hệ trực tiếp giữa trầm cảm và virus gây bệnh Covid-19.
Trong khi những tác động thực sự của chứng "Covid kéo dài" tới sức khỏe con người vẫn chưa được hiểu hết rõ hoàn toàn, nghiên cứu mới xem xét tới những tác động tinh thần đối với những người mắc Covid-19 và đặt ra một câu hỏi đơn giản - liệu Covid-19 có khiến họ bị trầm cảm không.
Bộ Cựu chiến binh Mỹ, cơ quan đứng sau nghiên cứu, đã công bố phát hiện của họ trên Tạp chí Y khoa Anh. Nghiên cứu cho thấy, những người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 có khả năng mắc vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần cao hơn 60%.
Dữ liệu được thu thập từ 153.848 người đã nhiễm Covid-19 để so sánh với những người chưa mắc. Nghiên cứu cho thấy trong 12 tháng, những người từng bị Covid-19 có nhiều khả năng phát triển các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo lắng, cũng như khó ngủ và lạm dụng chất kích thích.
Không chỉ các vấn đề về sức khỏe tâm thần có nhiều khả năng xảy ra hơn ở những người đã nhiễm Covid-19 mà còn có khả năng mọi người cần thuốc để hỗ trợ sức khỏe tâm thần của họ sau một năm nhiễm bệnh.
"Covid kéo dài" là thuật ngữ mô tả các triệu chứng xảy ra ở một số người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ lo lắng và trầm cảm ở những người mắc Covid-19 cao hơn 35% và 39% so với người không nhiễm bệnh. Nhiều hơn 2,4% người mắc Covid-19 phải vật lộn với giấc ngủ của họ và 0,4% gặp các vấn đề về lạm dụng chất kích thích.
Kết quả được tìm thấy mạnh mẽ hơn ở đối tượng đã nhập viện vì SARS-CoV-2.
“Nhiều người phải rất khó khăn để xây dựng lại cuộc sống. Việc điều trị là quan trọng nhưng phức tạp bởi thực tế hầu hết mọi người gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần sau khi nhiễm bệnh lại không tìm kiếm sự giúp đỡ", Chủ tịch Đại học Tâm thần Hoàng gia, Tiến sĩ Adrian James, nói.