Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến vô cùng phức tạp, hiện nay các cơ quan, đoàn thể, các cấp chính quyền và toàn bộ người dân vẫn đang nỗ lực chung tay đẩy lùi dịch bệnh trên cả nước.
Trước diễn biến đó, nhiều người dân ở chung cư đã có những thắc mắc về việc, ống thông gió, giếng trời chung cư có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 hay không? Nguy cơ lây nhiễm lớn tại các chung cư là gì?
Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), người dân không nên quá lo lắng về vấn đề ô thông gió, giếng trời chung cư vì nơi đây nguy cơ lây nhiễm rất thấp.
“Giếng trời chung cư là lấy gió từ trên trời thổi vào các căn hộ, chứ không thể tự nhiên từ căn hộ thổi ngược lên trên", bác sĩ Khanh cho biết.
Về đường ống thông gió, bác sĩ Khanh cho rằng, khí nóng thổi từ dưới lên virus sẽ chết và đường ống này các căn hộ đều thổi ngược lên: "Không thể có nhà đang thổi lên lại có nhà thổi ngược vào nhà vì quy luật khí quyển địa cầu của chúng ta là vậy. Căn hộ có người F0 cũng bị gió từ giếng trời thổi vào nên hơi thở của người F0 không thể chui ra giếng trời được”, bác sĩ Khanh cho biết.
“Ô cửa thông gió ở chung cư không phải là nơi dễ lây nhiễm Covid-19 vì không ai mắc covid-19 mà ra lỗ thông gió khạc nhổ cả, thậm chí nếu làm vậy còn bị gió thổi hắt lại mặt.
Tuy nhiên, nếu lo lắng thì mọi người có thể bật quạt thổi ngược gió ở trong phòng ra ngoài hoặc mua một cái đèn tia cực tím treo ở ô cửa thông gió cho cảm thấy an tâm”, bác sĩ Khanh chia sẻ.
Về mối lo lây nhiễm lớn nhất ở chung cư, bác sĩ Khanh cho rằng là khi cửa hàng lang chung cư bị đóng kín, không khí không thể lưu thông, bị tồn đọng, dễ lây nhiễm dịch bệnh. Ngoài ra, các hành lang cũng có những tay nắm dễ lây nhiễm, và thang máy chung cư cũng có nguy cơ rất cao.
“Mọi người ở chung cư khi ra ngoài hành lang thấy thật sự vắng người thì mới nên đi lại. Khi đi bất cứ đâu cũng cần cầm theo một chai nước rửa tay, mình động vào cái gì thì cần sát khuẩn tay ngay.
Tại các thang máy, cư dân nên yêu cầu Ban quản lý chung cư mở quạt thổi gió từ trên xuống dưới và không mở máy lạnh. Khi thấy đông người thì không nên cố chen vào. Khi cửa thang máy mở ra thì hãy đợi gió trong đó đẩy ra ngoài rồi mới nên vào”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Trước vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết việc có lây nhiễm hay không giữa các ống thông khí, giếng trời chung cư còn tuỳ thuộc vào kết cấu của từng toà, khu chung cư khác nhau.
“Mỗi chung cư sẽ có một thiết kế, cấu tạo các ống thông khí, giếng trời khác nhau. Do vậy, cần trực tiếp nghiên cứu, tìm hiểu tại khu chung cư thì mới nắm rõ được nguy cơ của từng nơi.
Tuy nhiên, nguyên tắc là khi căn hộ này có thông khí nối trực tiếp với căn hộ khác mà có trường hợp F0 thì mới có khả năng lây nhiễm”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu cho biết.
Theo đó, những căn hộ chung cư nào có các ống thông khí, thông trực tiếp đến căn hộ khác hoặc luồng khí từ căn hộ đó có thể truyền đến nhà mình thì nên thực hiện các biện pháp phòng tránh để đảm bảo an toàn trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay.