Trong hoàn cảnh đó, chất lượng không khí kém lại càng bất lợi cho hoạt động của phổi. Ô nhiễm không khí cũng có thể làm các căn bệnh sẵn có trầm trọng thêm, gia tăng nguy cơ nhập viện và thậm chí tử vong. Những người đã khỏi bệnh Covid-19 vẫn có nguy cơ bị tổn thương phổi do mức độ ô nhiễm ngày càng tăng.
Trong một cuộc phỏng vấn, Tiến sĩ Rajesh Chawla, Chuyên gia tư vấn cao cấp tại Bệnh viện Indraprastha Apollo, New Delhi (Ấn Độ), cho biết: “Những người sống sót sau Covid-19 bị tổn thương chức năng phổi và tiếp tục khó thở. Vì vậy, bất kỳ sự ô nhiễm nghiêm trọng nào cũng ảnh hưởng đến khả năng hô hấp, làm sức khoẻ của lá phổi kém đi trong nhiều năm”.
Chất lượng không khí suy giảm cũng tạo nên ảnh hưởng xấu đến người không mắc Covid-19. Số người bị khó thở và các biến chứng hô hấp khác đã gia tăng đáng kể. Đối với bệnh nhân Covid-19, thực trạng này càng làm chậm quá trình phục hồi của phổi. Theo các chuyên gia, những người bị COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) hoặc hen suyễn nên hết sức cẩn trọng trước tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí, đặc biệt là khi họ từng nhiễm Covid-19.
Để phòng tránh, bạn nên đeo khẩu trang, tránh đi lại ngoài trời, thường xuyên vệ sinh tay. Nếu muốn tập thể dục, hãy chọn các bài tập trong nhà.