Đánh golf hiện nay không chỉ còn dành riêng cho giới thượng lưu, giới nhà giàu mà đang dần phổ biến hơn. Các sân golf, cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư nhiều nên nhiều người dân có thể tiếp cận môn thể thao này nhằm rèn luyện sức khỏe và tăng cường, thiết lập các mối quan hệ xã hội.
Theo PGS.TS.BS. Võ Tường Kha – Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, với cường độ vận động trung bình – thấp, thời lượng vận động kéo dài thường 3-4 giờ, người đánh golf thường đi bộ khoảng 10km – 12 km, tổng năng lượng tiêu hao lớn, chiếm phần lớn từ nguồn oxy hóa chất béo, vì vậy golf là môn thể thao rèn luyện về sức bền.
Những địa điểm đánh golf thường diễn ra tại những nơi có điều kiện không gian lý tưởng, với khoảng không gian rộng hàng chục hecta, gần thiên nhiên, nhiều cây xanh, thoáng mát, nhiều nắng…
Chính vì vậy , đây là môi trường vô cùng lý tưởng giúp cơ thể thư giãn, xả stress, rèn luyện thể chất và hô hấp.
Bên cạnh việc rèn luyện rèn sức bền, chơi golf giúp tăng cường miễn dịch, rèn ý chí, tinh thần bền bỉ, kiên định, giúp tâm lý vững vàng.
Theo bác sĩ, khi chơi môn thể thao này khoa học, thường xuyên, điều độ còn giúp phòng và hỗ trợ tích cực điều trị các bệnh mãn tính không lây nhiễm như huyết áp, hen phế quản mãn tính, bệnh lý tim mạch, béo phì, rối loạn chuyển hóa lipit máu, đái tháo đường...
“Những người chơi golf có môi trường giao lưu, phối hợp, liên kết tổ chức các hoạt động kinh tế-xã hội, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của nhau”, PGS.TS.BS. Võ Tường Kha chia sẻ.
Theo bác sĩ, ai cũng có thể chơi được golf, không phân biệt tuổi tác, giới tính. Tuy nhiên, một số người nếu có các vấn đề về sức khỏe như: Người đang mắc bệnh nội, ngoại khoa cấp tính; Người có vấn đề về hệ thống cơ xương khớp cấp tính, hoặc hư – thoái hóa cơ – xương – khớp nặng; Người có vấn đề về đĩa đệm cột sống…thì không nên chơi golf.
“Người chơi golf phải đi bộ rất nhiều, khi đó hệ thống cơ xương khớp sẽ phải chịu tải toàn bộ trọng lượng cơ thể, đòi hỏi sức chịu đựng lớn, do vậy những người đang có bệnh lý cơ – xương - khớp, bệnh lý cấp tính dễ dẫn đến các chấn thương và tình trạng hư khớp, đĩa đệm ngày càng nặng hơn”, PGS.TS.BS. Võ Tường Kha cảnh báo.
Ngoài ra, một số bệnh lý có thể phát sinh trong quá trình chơi golf như cảm nắng, cảm nóng, viêm-cháy da do tia UV, tụt đường huyết, hạ huyết áp, mất (rối loạn) nước- điện giải, chấn thương cơ – xương- khớp (vùng cổ tay, khuỷu tay, vùng vai, cột sống- đĩa đệm thắt lưng, cơ ngực sườn, khớp cổ chân).
PGS.TS.BS. Võ Tường Kha khuyến cáo, để chơi golf được an toàn, người chơi cần phải lưu ý đến vấn đề vệ sinh tập luyện để tránh chấn thương.
Cụ thể:
- Theo dõi, kiểm tra sức khỏe (tình trạng bệnh lý, tình trạng thể lực) trước khi bắt đầu chơi golf và trước mỗi trận golf;
- Kiểm tra thiết bị tập luyện (kích cỡ, trọng lượng và đảm bảo yếu tố kỹ thuật) xem có phù hợp với điều kiện sức khỏe (hình thái thể chất, thể lực cơ thể).
- Các dụng cụ hỗ trợ, bảo hộ như găng tay, quần áo, mũ…phải phù hợp với môi trường, khí hậu theo mùa, thời tiết.
- Cần có dụng cụ bảo hiểm ở những nơi dễ xảy ra chấn thương như vùng cổ tay, khuỷu tay, vùng thắt lưng, đầu gối, cổ chân…
- Cần kiểm tra và chú ý điều kiện sân bãi, thời tiết để tránh trơn trượt, ngã khi chơi.
- Cần khởi động trước khi vào tập luyện, thi đấu ít nhất 20-30 phút.
- Chuẩn bị nước uống, thực phẩm bổ sung phù hợp...
- Thả lỏng, hồi phục ngay sau trận golf.