Một nghiên cứu ở Đức với những bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 nhẹ phát hiện ra họ có khả năng mắc tiểu đường type 2 mới cao hơn 28%.
Nghiên cứu thứ hai được thực hiện tại Mỹ bởi các nhà nghiên cứu từ Hệ thống Chăm sóc Sức khỏe Saint Louis cũng tìm thấy kết quả tương tự. Nghiên cứu của Mỹ cho thấy bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 40%.
Tiến sĩ Ziyad Al-Aly, trưởng đơn vị nghiên cứu và phát triển tại Hệ thống chăm sóc sức khỏe St. Louis thuộc Cục cựu chiến binh Mỹ ở Missouri (Mỹ) và là chuyên gia dịch tễ học lâm sàng tại Đại học y Washington (Mỹ), cho biết: "Mặc dù nguy cơ bị bệnh đái tháo đường sau mắc Covid-19 nhỏ nhưng không phải là không đáng kể. Thực sự, rất rõ ràng rằng các nghiên cứu đã cho thấy, Covid-19 làm tăng nguy cơ bị bệnh đái tháo đường cho tới 1 năm sau đó", tiến sĩ Al-Aly nhấn mạnh. Nghiên cứu dựa trên phân tích hồ sơ sức khỏe của hơn 8 triệu người và 180.000 người mắc Covid-19.
Tiến sĩ Al-Aly cho rằng cơ chế của mối liên quan giữa mắc Covid-19 và bệnh đái tháo đường hiện vẫn chưa được sáng tỏ và có thể khác nhau ở mỗi người.
"Những người đã có sẵn các yếu tố nguy cơ bị bệnh đái tháo đường type 2, như béo phì hoặc hội chứng chuyển hóa, thì việc mắc Covid-19 có thể thúc đẩy nhanh quá trình tiến triển bị mắc bệnh đái tháo đường. Còn đối với những người không có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường trước đó, thì việc mắc Covid-19 và tình trạng phản ứng viêm xuất hiện trong cơ thể khi mắc Covid-19 có thể dẫn đến hậu quả bị bệnh đái tháo đường", tiến sĩ Al-Aly cho biết.
Theo các chuyên gia, Covid-19 có thể làm tăng 59% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ngay cả đối với những người không thừa cân và 38% đối với những người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thấp nhất.
Nếu bệnh nhân nhận thấy các triệu chứng như khát nước và đi tiểu nhiều, họ nên đi kiểm tra. “Các bác sĩ và bệnh nhân nên cảnh giác và tầm soát bệnh tiểu đường ở những người đã từng nhiễm Covid-19. Điều này rất quan trọng để giúp xác định bệnh sớm và tiến hành điều trị nếu cần”, tiến sĩ nói thêm.