Theo ThS.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên chống dịch Covid-19, Bệnh viện Thanh Nhàn sáng 9/12 cho biết, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, xuất hiện tình trạng người dân khi có dấu hiệu ho, sốt đã tự mua test nhanh để xét nghiệm SARS-CoV-2 tại nhà.
Sau khi có kết quả dương tính, thay vì thông báo với chính quyền địa phương, y tế cơ sở, những người này lại tự đi thẳng đến Bệnh viện Thanh Nhàn - cơ sở thuộc tầng 3 trong tháp điều trị, chuyên xử trí các F0 nặng.
Bác sĩ Hường cho biết, thống kê sơ bộ, có những ngày, cơ sở này tiếp nhận hơn 20 người dân test nhanh không thực hiện theo đúng quy trình thu dung, điều trị mà "vượt tuyến".
Đáng chú ý, 90% số bệnh nhân này sau khi chạy xét nghiệm PCR cũng có kết quả dương tính. Họ sẽ được bệnh viện phân tầng tùy theo mức độ bệnh. Nếu tầng 1 thì sẽ chuyển sang các cơ sở thu dung điều trị như trạm y tế lưu động. Còn nếu tầng 2, 3 thì sẽ giữ lại điều trị.
"Hiện chúng tôi có một số bệnh nhân ở tầng 1 (điều trị tại nhà hoặc trạm y tế lưu động) của tháp điều trị mong muốn vào bệnh viện, nhưng đây là gánh nặng rất lớn với lực lượng y tế. Bởi số giường cho bệnh nhân tầng 1 sẽ làm mất cơ hội cho những F0 nặng tầng 3", bác sĩ Hường cho biết.
BS Hường cảnh báo tình trạng người dân tự test nhanh dương tính không thực hiện theo đúng quy trình thu dung, điều trị mà "vượt tuyến" lên cơ sở được phân công điều trị bệnh nhân nặng có thể gây nhiều hệ lụy.
Theo đó, những người này tự di chuyển một quãng đường rất dài lên bệnh viện sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó, việc người dân ồ ạt "vượt tuyến" sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác phân luồng và quá tải cho công tác xét nghiệm PCR.
Bác sĩ Hường khuyến cáo, người dân khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc tự làm test nhanh cho kết quả dương tính cần thông báo ngay cho trạm y tế phường, chính quyền sở tại để được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định.
Trong quá trình chờ đợi, người bệnh cần hết sức bình tĩnh và liên hệ chặt chẽ với cán bộ y tế phường, để theo dõi và cập nhật các triệu chứng, dấu hiệu chuyển nặng, từ đó có thể can thiệp kịp thời.
Sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính SARS-CoV-2, cán bộ y tế cơ sở sẽ có sự phân tầng phù hợp dựa vào tình trạng bệnh.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội có công văn về việc phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19 lần thứ 4 gửi các bệnh viện công lập và ngoài công lập; Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã và Trung tâm Cấp cứu 115.
Theo hướng dẫn mới này, Hà Nội phân thành 3 tầng điều trị dựa theo mức độ lâm sàng và yếu tố nguy cơ.
Cụ thể: Tầng 1 dành cho trường hợp bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với mức nguy cơ trung bình. Bệnh nhân gồm: Tuổi từ 50 - 64, chưa phát hiện bệnh nền và đã tiêm đủ liều vaccine; tuổi từ 3 tháng đến dưới hoặc bằng 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh nền, đã tiêm đủ liều vaccine, không có triệu chứng cần can thiệp y tế.
Những trường hợp ở tầng này được điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động (cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tại quận, huyện); hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.
Tầng 2 dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao. Bệnh nhân gồm: từ 65 tuổi trở lên và đã tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vaccine, từ 50 - 64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm đủ liều vaccine; phụ nữ có thai và sinh con từ dưới hoặc bằng 42 ngày; trẻ em dưới hoặc bằng 3 tháng tuổi. Những trường hợp này điều trị tại bệnh viện thuộc tầng 2.
Tầng 3 dành cho trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao. Bệnh nhân gồm: Tuổi từ trên hoặc bằng 65 và chưa tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vaccine; có tình trạng cấp cứu chuyên khoa.
Những trường hợp này được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Sơn Tây, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và bệnh viện tuyến Trung ương.