Thông tin trên Infonet, trường hợp thứ nhất là thanh niên 19 tuổi, vào viện vì đau vùng bìu phải, ngày thứ 3. Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, khi vào viện đau nhẹ âm ỉ, không sốt, không có rối loạn đại tiểu tiện.
Sau 1 ngày bệnh nhân đi khám ở phòng khám tư, được chẩn đoán là viêm tinh hoàn và cho đơn thuốc về nhà uống. Tuy nhiên, bệnh nhân thấy không đỡ đau nên đã vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám.
Khi thăm khám thấy tinh hoàn phải kích thước lớn, ấn đau chói. Bệnh nhân được chỉ định siêu âm tinh hoàn kèm doppler, kết quả siêu âm cho thấy tinh hoàn và mào tinh hoàn phải giảm âm lan tỏa, mất tín hiệu mạch trên doppler.
Bệnh nhân được chẩn đoán: Xoắn tinh hoàn ngày thứ 3, chỉ định mổ cấp cứu. Tuy nhiên khi phẫu thuật, tinh hoàn phải đã hoại tử tím đen do xoắn trong bao thừng tinh 2 vòng. Phẫu thuật viên bắt buộc phải cắt tinh hoàn phải của bệnh nhân trong sự tiếc nuối. Giá mà bệnh nhân vào viện sớm hơn, được chẩn đoán sớm hơn thì tình huống có thể đã khác.
Trường hợp thứ hai là nam thanh niên 18 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, nửa đêm đang ngủ chợt thấy đau chói vùng bìu bên phải. Bệnh nhân vào viện giờ thứ 2, được bác sĩ chỉ định siêu âm tinh hoàn kèm doppler mạch. Kết quả cũng cho thấy tinh hoàn phải to, lệch trục, giảm tưới máu trên doppler, tuy nhiên nhu mô tinh hoàn chỉ giảm âm nhẹ, không đồng nhất.
Với chẩn đoán xoắn tinh hoàn giờ thứ 2, bệnh ngay lập tức được chuyển thẳng phòng mổ để can thiệp, nhanh như một cấp cứu đột quỵ hay một cấp cứu đa chấn thương. May mắn thay, sau khi tháo xoắn, tinh hoàn đã hồng ấm trở lại và bệnh nhân giữ được tinh hoàn phải.
Thông tin trên báo Lao Động, trước đó, ghi nhận của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho thấy, từ tháng 9/2021- 3/2022, đã có 9 trường hợp phải vào viện do xoắn tinh hoàn, trong đó chỉ bảo tồn được 2/9, 7/9 trường hợp phải cắt bỏ tinh hoàn.
Theo các bác sĩ, độ tuổi trung bình của các bệnh nhân nhập viện do xoắn tinh hoàn là 17 tuổi, trong đó em nhỏ nhất là 14 tuổi và lớn nhất là 24 tuổi.
Bệnh nhân xoắn tinh hoàn không bảo tồn được tinh hoàn do những nguyên nhân như: Bệnh nhân đến muộn gây khó khăn trong điều trị và can thiệp, bị chẩn đoán nhầm là viêm tinh hoàn, đến bệnh viện khi tinh hoàn đã tím đen không có khả năng bảo tồn.
PGS.TS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học cho biết, xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa thường gặp chiếm khoảng 17% các trường hợp đau bìu cấp tính, 90% thường gặp ở lứa tuổi từ 13 đến 21.
"Xoắn tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn di động xoay quá mức quanh thừng tinh dẫn đến tắc nghẽn hệ thống mạch máu. Hậu quả dẫn đến tắc mạch máu cấp tính nếu không giải phóng kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử tinh hoàn. Đây là một cấp cứu nam học cần được điều trị phẫu thuật cấp cứu sớm đặc biệt trong 6 giờ đầu"- bác sĩ Quang nói.
Theo PGS Nguyễn Quang, triệu chứng của xoắn tinh hoàn thường các bệnh nhân bị đánh thức trong giấc ngủ bởi một cơn đau chói ở bìu bệnh nhân nên thường nhớ rõ thời điểm đau. Khi khám lâm sàng tinh hoàn bên xoắn treo cao hơn bên đối diện.
Siêu âm Doppler đánh giá phổ mạch tinh hoàn rất có giá trị để chẩn đoán xoắn tinh hoàn với dấu hiệu xoáy nước điển hình. Bệnh thường hay chẩn đoán nhầm với viêm tinh hoàn, đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự chẩn đoán chậm trễ và phải cắt tinh hoàn.
Từ các trường hợp trên, các bác sĩ Trung tâm Nam học khuyến cáo, nam giới cần đi khám ngay khi có các triệu chứng đau đột ngột ở vùng bìu. Còn đối với các bác sĩ các tuyến, khi đứng trước một bệnh nhân đau đột ngột ở vùng bìu cần phải nghĩ đến bệnh lý đặc biệt này và chẩn đoán chính xác để tránh những hậu quả đáng tiếc.