Rau dền là loại rau mùa hè được nhiều bà nội trợ yêu thích làm món canh trong bữa ăn gia đình. Không chỉ thơm ngon, rau dền đỏ còn là loại thực vật có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là chứa hàm lượng canxi và sắt rất cao.
Theo bảng thành phần thực phẩm Việt Nam (Viện Dinh Dưỡng), trong 100g rau dền đỏ có khoảng 5,40mg sắt, nhiều gấp 4 lần so với thịt bò (100g thịt bò nạc cung cấp khoảng 1,78mg sắt).
Hàm lượng canxi trong rau dền đỏ cũng rất dồi dào. Cứ 100g rau dền đỏ có 288mg canxi, đủ đáp ứng 50% canxi cho một người mỗi ngày.
Theo Đông y, rau dền đỏ có vị ngọt, tính hàn, giúp thanh nhiệt, mát gan, ích khí. Loại rau này có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe, giúp kháng viêm, ổn định hoạt động của hệ tiêu hóa, ổn định đường huyết, giảm cholesterol trong máu, ngăn ngừa loãng xương...
Rau dền đỏ cũng được dùng làm thuốc điều trị bệnh. Ví dụ đối với việc điều trị tăng huyết áp, người ta sẽ lấy 20 gram rau dền đỏ, 20 gram mã đề non, 20 gram lá dâu bánh tẻ, tất cả rửa sạch, cho vào nồi và nấu chín thành canh, nêm nếm gia vị vừa ăn.
Dùng 50 gram rau dền đỏ nấu chín, chắt lấy nước. Dùng nước này nấu với gạo nếp để làm thành cháo. Món cháo này tốt cho phụ nữ sau sinh bị nóng trong, táo bón.
Rau dền đỏ không chỉ có màu sắc bắt mắt mà còn có tác dụng mát gan, giải nhiệt. Tuy nhiên, không nên ăn rau dền sống, bởi sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Rau dền có tính mát, ăn sống có thể gây ra tình trạng tì vị hư hàn, tăng kích thích ở tì vị dạ dày và dẫn tới tình trạng khó tiêu, đầy hơi hoặc tiêu chảy.
Ngoài ra, ăn rau dền sống có thể làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ canxi của cơ thể. Mặc dù lá rau dền chứa nhiều canxi nhưng chúng cũng chứa cả axit oxalic. Ăn rau dền sống sẽ làm canxi kết hợp với axit oxalic tạo thành canxi oxalat không hòa tan và làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể.
Chỉ nên ăn rau dền ở lượng vừa phải, khoảng 3-4 bữa/tuần là đủ. Đặc biệt lưu ý, phải nấu chín rau dền trước khi ăn.