Ngày 25/9, Người Lao Động đưa tin, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết địa phương vừa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên.
Bệnh nhân này là chị N.K.L. (22 tuổi; ở trọ tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Chị L. là bạn gái của bệnh nhân L.V.T. mắc đậu mùa khỉ vừa phát hiện ở tỉnh Đồng Nai.
Sau khi nhận được tin từ Viện Pasteur TP HCM, ngay trong đêm 23/9, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã tổ chức họp khẩn và thành lập đoàn do bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, xuống tận nhà trọ chị L. ở thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên xử lý ca bệnh, điều tra, giám sát, khoanh vùng, phun khử khuẩn môi trường xung quanh, tránh lây lan trong cộng đồng.
Theo SGGP, Sở Y tế tỉnh cũng có văn bản gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các cơ sở y tế nhằm tuyên truyền, chủ động phòng chống bệnh đậu mùa khỉ sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trên địa bàn.
Các cơ sở y tế trong địa bàn Bình Dương được yêu cầu thực hiện điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý xử lý kịp thời ổ dịch, không để lây lan ra cộng đồng; tổ chức cách ly với những trường hợp dương tính, tránh tử vong và không để lây nhiễm với nhân viên y tế; tổ chức giám sát và báo cáo ca bệnh theo quy định.
Đậu mùa khỉ là một bệnh hiếm gặp, gây ra khi nhiễm phải virus đậu mùa khỉ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra những cảnh báo về nguy cơ bùng phát mạnh bệnh này trên toàn thế giới. Hiện bệnh đã xuất hiện ở nhiều nước như Anh, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha…
Bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây nhiễm từ người sang người khi:
- Tiếp xúc trực tiếp với nốt ban, vết loét hoặc vảy đậu mùa ở khỉ;
- Tiếp xúc tình dục dưới bất kỳ hình thức nào hoặc chạm vào bộ phận sinh dục hoặc hậu môn của người bị bệnh đậu khỉ;
- Ôm, xoa bóp, hôn; nói chuyện gần gũi qua các giọt đường hô hấp hoặc dịch miệng của người bị bệnh đậu mùa khỉ;
- Tiếp xúc các bề mặt được sử dụng bởi một người bị đậu mùa khỉ hoặc vật dụng cá nhân của người bệnh như quần áo, giường, khăn tắm, dụng cụ ăn uống,…