Nhu cầu cuộc sống tăng cao, không chỉ chăm lo đời sống vật chất, mọi người còn đặc biệt quan tâm đến sức khỏe tinh thần. Một trong những cách được nhiều bạn trẻ sử dụng mỗi khi muốn thư giãn, thoải mái là dùng nến thơm hoặc tinh dầu.
Mùi thơm của tinh dầu và ánh đèn nhẹ dịu của nến tạo nên một không gian dễ chịu khiến tinh thần cũng trở nên thư thái hơn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu đốt nến thơm trong không gian kín sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, gây ngột ngạt.
Chia sẻ về vấn đề này trên báo Thanh Niên, bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Thanh Lịch, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực- Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, nến tạo ra các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, hay còn gọi là hợp chất carbon, có thể dễ dàng biến thành khí ở nhiệt độ phòng, nhưng chúng bay hơi gần như ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu sử dụng trong phòng kín không thoát được không khí thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại cho sức khoẻ.
Trong các sản phẩm được tạo ra nến thơm có formaldehyde. Đây là một một hợp chất hữu cơ không màu, có mùi hắc khó chịu, cay nồng, công thức hóa học là CH2O, là loại chất có độc tính cao. Hợp chất này được các tổ chức y tế cảnh báo và xếp hạng là hóa chất độc hại có ảnh hưởng đối với sức khỏe con người.
Ở thể khí, nếu nồng độ formaldehyde lớn hơn 0,1 ppm trong không khí sẽ gây kích ứng mắt và niêm mạc, dẫn đến chảy nước mắt. Cũng với nồng độ này, nếu hít phải nó sẽ gây đau đầu, nóng rát ở cổ họng, khó thở và có thể gây ra hoặc làm nặng thêm các triệu chứng hen suyễn.
Với các loại nến giá rẻ sử dụng nguyên liệu sáp parafin có nguồn gốc từ dầu mỏ, khi đốt cháy sẽ giải phóng một số hợp chất hữu cơ dễ bay hơi tương tự khí thải động cơ diesel vào không khí, chẳng hạn acetone, benzen và toluene... gây đau đầu, buồn nôn, khó thở, kích ứng mắt, mũi và cổ họng. Nếu hít phải lượng lớn, người dùng có thể gặp vấn đề về phổi, thậm chí tăng nguy cơ mắc ung thư.
Nếu muốn đốt nến thơm thì nên đốt ở những nơi thoáng đãng, có gió. Nếu đốt trong phòng cần mở hết tất cả cửa sổ, cửa ra vào. Tuyệt đối không đốt nến thơm, nhang thơm hay xịt nước thơm trong những căn phòng đóng kín cửa, nhất là lại mở máy lạnh bởi lẽ hơi lạnh sẽ khiến formaldehyde vừa khó tan, lại vừa đậm đặc.
Ngoài ra, với những nhà thường xuyên đốt nến thơm nên đặt một số loại cây như hoa phong lữ, hoa oải hương hoặc cây dương xỉ vì chúng hấp thụ formaldehyde rất nhanh.