Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), hiện nay, TP đang dự thảo thí điểm áp dụng thẻ xanh Covid-19. Một trong các điều kiện để có thẻ xanh là có chứng nhận đã tiêm chủng hoặc nhiễm Covid-19 "đã khỏi bệnh".
Cụ thể, để có giấy chứng nhận nhiễm Covid-19 "đã khỏi bệnh", F0 phải được xác nhận bằng giấy chứng nhận như giấy xuất viện hoặc giấy xác nhận hoàn thành cách ly của Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn.
Các F0 tự xét nghiệm, tự cách ly tại nhà mà không có giấy xác nhận hoàn thành cách ly của Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn, thì cần giấy xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, tổ nhân dân hoặc của các tổ y tế chăm sóc F0 tại nhà.
Tổ y tế chăm sóc F0 tại nhà bao gồm nhân sự do các trường đại học y khoa, do các tổ chức thiện nguyện (ATM oxy, các tình nguyện viên là các bác sĩ nghỉ hưu...) đảm trách.
Theo HCDC, hiện thành phố đang có 88.598 F0 cách ly, điều trị tại nhà, trong đó có 52.974 trường hợp thực hiện cách ly tại nhà ngay khi phát hiện và 35.624 trường hợp cách ly sau xuất viện. Số trường hợp F0 đang theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 25.750 người.
F0 được phân loại, chăm sóc, tư vấn thường xuyên, tiếp cận với các gói thuốc A, B, C, hỗ trợ y tế kịp thời khi có yêu cầu. Tổ chức các trạm y tế lưu động đã góp phần hỗ trợ công tác thu dung, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.
Theo quy định của Bộ Y tế, người có tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng. Các trường hợp mắc Covid-19 khỏi bệnh đã có kháng thể tự nhiên bảo vệ cơ thể trong một khoảng thời gian. Do đó, để bảo đảm an toàn cho bản thân, các trường hợp không thể xác nhận đã từng mắc Covid-19 thì cần phải tiêm vaccine.
Trước đó, trong buổi họp báo vào chiều 12/9, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, những trường hợp tự làm xét nghiệm, phát hiện dương tính và tự điều trị, không báo chính quyền địa phương, khó có cơ sở cấp chứng nhận từng là F0.