Bắt buộc đo huyết áp trước khi tiêm vì sao?
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất từ trước đến nay để sớm tạo ra miễn dịch cộng đồng.
Theo thống kê từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 16/8, các đơn vị trực thuộc ngành Y tế Thủ đô đã tiêm hơn 1,68 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó, 92.007 người đã tiêm đủ 2 mũi.
Như vậy, đã có hơn 19% dân số Hà Nội và 25,3% số người dân trên 18 tuổi của Thủ đô đã được tiêm phòng vaccine COVID-19 ít nhất 1 mũi.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), khi đi tiêm vắc xin Covid-19, người dân bắt buộc phải thực hiện việc khám sàng lọc trước tiêm, trong đó có việc đo huyết áp.
Việc đo huyết áp là nhằm để đảm bảo an toàn nhất trước khi được tiêm chủng. Trước khi tiêm, huyết áp của người được tiêm nên ở mức giới hạn bình thường (90-140mmHg với huyết áp tâm thu và 60-90mmHg với huyết áp tâm trương).
Khi huyết áp quá cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến cố tim mạch/ đột quỵ. Bên cạnh đó, huyết áp cao cũng gây khó khăn cho việc theo dõi, đánh giá một số phản ứng sau tiêm, đặc biệt là các trường hợp phản vệ sau tiêm vaccine.
Đi tiêm vaccine Covid-19 huyết áp tăng vù vù, ở nhà lại bình thường vì sao?
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, người dân đi tiêm chủng vắc xin Covid-19 đều được kiểm tra huyết áp và được bác sĩ thăm khám kỹ càng.
Tuy nhiên, hiện tượng tăng huyết áp khi đi tiêm gặp phải ở rất nhiều người từ người già đến người trẻ tuổi. Đây là tình trạng khá phổ biến ở những người đi tiêm vắc xin Covid-19 huyết áp tăng cao dù ở nhà đo hoàn toàn bình thường.
Về vấn đề này, CDC Hà Nội cho biết, hội chứng “tăng huyết áp áo choàng trắng” là tình trạng huyết áp của bệnh nhân đột ngột tăng cao khi gặp bác sĩ, những người mặc áo blouse trắng. Nhưng khi về nhà thì huyết áp của bệnh nhân lại trở lại bình thường.
Hội chứng này chủ yếu xuất phát từ tâm lý bệnh nhân. Khi thấy bác sĩ hoặc những người mặc áo blouse trắng, bệnh nhân hồi hộp, lo sợ khiến tim đập nhanh hơn, tăng áp lực lên thành mạch, gây tăng huyết áp tức thời.
Huyết áp được quyết định bởi 4 yếu tố là sức bóp của tim, tính đàn hồi của mạch máu, thể tích máu và độ nhớt của máu. Mọi nguyên nhân tác động làm ảnh hưởng, biến đổi 4 yếu tố này sẽ làm thay đổi huyết áp; đặc biệt khi lo lắng quá mức, bị stress, tức giận… nhịp đập của tim sẽ tăng lên, mạch máu sẽ co thắt lại và hậu quả làm cho huyết áp tăng.
Khi gặp bác sĩ, thầy thuốc là người thường mặc áo choàng trắng, nhiều người bệnh đã bị tăng huyết áp một cách tự nhiên. Hội chứng này được biết đến như là một tình trạng tăng huyết áp giả tạo do bệnh nhân cảm thấy quá lo lắng và căng thẳng. Thuật ngữ “Hội chứng áo choàng trắng” ” (White coat syndrome) được sử dụng để chỉ các trường hợp này.
Cần làm gì để hạn chế hội chứng “tăng huyết áp áo choàng trắng”?
Để hạn chế hội chứng "tăng huyết áp áo choàng trắng", CDC Hà Nội đưa ra những khuyến cáo với người dân như sau:
Làm chủ tâm lý để không bị sợ hãi khi gặp bác sĩ là điều quan trọng đối với những người mắc hội chứng này.
Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh sử dụng chất kích thích, giảm muối trong chế độ ăn.
Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, điều độ để tăng cường sức khỏe tim mạch….
Áp dụng phương pháp thư giãn như yoga để kiểm soát tâm lý, nhịp thở. Giúp bạn giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống công việc.
Đi khám cùng người thân hay bạn bè, để tạo cảm giác đồng hành, tránh sợ hãi khi đi một mình gặp bác sĩ.
Kiểm soát cân nặng, lượng tinh bột dung nạp vào cơ thể. Để hạn chế béo phì, tiểu đường. Giảm cân sẽ giúp huyết áp của bạn ổn định hơn, cơ thể sẽ thoải mái hơn vì không quá trọng tải.
Theo CDC Hà Nội, hội chứng “tăng huyết áp áo choàng trắng” do tâm lý, vì thế có thể luyện tập để thay đổi được. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu tiền thân của bệnh lý huyết áp, vì thế người bệnh cần chú ý hơn về chế độ dinh dưỡng, tập luyện để tăng cường sức khỏe tim mạch.