Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi, ngạt khí CO, bỏng hô hấp, bỏng độ 2-3 ở bàn tay trái với diện tích bỏng 6%. Tiếp đó, bệnh nhi được bác sĩ xử trí cấp cứu, thở oxy để loại khí CO ra khỏi cơ thể, truyền dịch, sử dụng kháng viêm chống phù nề ở đường hô hấp, chăm sóc vết bỏng...
Mẹ bệnh nhi kể lại, hôm ấy để bé ở nhà một mình để đi chợ, khoảng 10 phút sau quay về thì ngôi nhà đang bốc cháy dữ dội, bé đã được mọi người xung quanh cứu ra khỏi đám cháy đưa vào bệnh viện.
Qua 30 phút nhập viện, bé bắt đầu thở rít, khàn giọng nhiều, thở co kéo tăng dần lên. Ê kip trực đặt nội khí quản kiểm soát hô hấp và hội chẩn liên viện, chuyển bé lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. HCM tiếp tục điều trị.
Tại đây, bệnh nhi được nội soi rửa phế quản, tiếp tục thở máy, điều trị bằng kháng sinh, nuôi ăn tĩnh mạch, giảm đau. Tuy nhiên hiện tiên lượng tình trạng bé vẫn còn rất nặng.
Bác sĩ Trọng Nghĩa, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Cần Thơ, cho biết bỏng là một trong những tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em.
Có nhiều nguyên nhân gây bỏng như nước sôi, hóa chất (acid, base), điện, cháy nhà. Trong đó, bỏng hô hấp là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và để lại những di chứng nặng nề ở đường hô hấp của trẻ
Qua trường hợp của bệnh nhi nói trên, bác sĩ Nghĩa khuyến cáo trẻ em vốn dễ tổn thương và luôn hiếu động, vì vậy phải luôn có người lớn trông coi, tuyệt đối không nên để trẻ nhỏ ở nhà một mình.
Người lớn cần hướng dẫn và dạy trẻ kỹ năng thoát khỏi đám cháy: Khi phát hiện có khói cháy thì phải hạ thấp người, dùng khăn ướt che mũi miệng và di chuyển đến cửa để thoát khỏi đám cháy.
Ngoài ra, phụ huynh không nên cho trẻ chơi với lửa như đốt củi, đốt rơm rạ ở vùng nông thôn, để các phích nước nóng, đồ vật chứa nước nóng xa khỏi tầm với của trẻ.
Nếu chẳng may trẻ bị bỏng, phụ huynh phải nhanh chóng thực hiện các bước sơ cứu ban đầu và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu.