Theo Vietnamnet, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 40 tuổi, ngụ tại tỉnh Đồng Nai nhập viện trong tình trạng bỏng vùng thân trên gồm lưng, vai, ngực, hai tay và cổ, diện tích bỏng khoảng 50% cơ thể.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bỏng độ 2A. Nữ bệnh nhân sau đó được chuyển lên Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình tiếp tục điều trị.
Được biết khi người phụ nữ chuẩn bị nấu ăn, lúc bật bếp, lửa phụt lên và khí ga phát nổ gây bỏng vùng thân trên.
Ngay lập tức, người phụ nữ đã nhảy xuống ao nuôi tôm trước nhà để giảm bớt bỏng rát. Sau đó, được chồng đưa đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) mà không kịp sơ cứu tại chỗ.
Lao Động dẫn lời bác sĩ Nguyễn Đức Kiên Bình, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Lê Văn Thịnh TP.HCM cho biết, hiện mới là giai đoạn đầu của bỏng nên vẫn chưa nói trước được tình hình.
14 người nghi bị ngộ độc thực phẩm ở homestay Le Vent Tam Đảo phải nhập viện khẩn
Bệnh nhân đã được truyền bù dịch cũng như đề phòng nguy cơ nhiễm trùng máu hoặc biến chứng sốc bỏng. Trong vài ngày tới, các bác sĩ sẽ đánh giá mức độ tổn thương mô hoại tử đến đâu và có hướng xử lý tiếp theo.
Nguồn tin dẫn lời bác sĩ Bình, trong tình huống cấp bách, nếu xung quanh không có nước sạch, người gặp tai nạn cháy/bỏng có thể tận dụng nguồn nước xung quanh như ao hồ, sông suối để loại bỏ lửa và nhiệt trên cơ thể, tránh tổn thương sâu thêm do bỏng.
Các bác sĩ nhiều lần cảnh báo việc dùng đi dùng lại bình gas mini hoặc bình gas vỏ cũ kỹ, gỉ sét... rất mất an toàn, dễ cháy nổ.