Thông tin trên VietNamNet, bệnh nhân nữ 25 tuổi tiêm filler nâng mũi tại một spa ở Hà Nam vào ngày 31/11. Sau đó, vùng tiêm filler có dấu hiệu tím, hoại tử. Bệnh nhân được đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, hoại tử nhiễm trùng da vùng sống mũi và trán.
Tại bệnh viện, bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân nữ này dùng các thuốc chống nhiễm trùng, giảm viêm, dự phòng tắc mạch, thay băng chăm sóc tại chỗ để giảm tối đa mức độ hoại tử nhiễm trùng ở da. Sau 2 tuần, việc điều trị cho bệnh nhân đã có chuyển biến tích cực.
“Hiện tại da đã phân vùng rõ ràng, vùng bị nhiễm trùng lên mụn lấm tấm đã ổn. Vùng bị hoại tử đen (khoảng 2x1 cm) nếu bong vẩy để lại lớp sẹo phía dưới được sẽ khả quan. Nếu không, khoảng 1-2 tuần nữa, các bác sĩ sẽ cắt phần hoại tử này và khâu lại”, TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, đánh giá.
Trao đổi với VTC News, TS Việt Dung lưu ý, với những bệnh nhân mới tiêm filler có biểu hiện của các biến chứng sớm của tắc mạch như mất thị lực, đột quỵ hay yếu nửa người, hoại tử, nhiễm trùng vùng tiêm, thường liên quan đến kỹ thuật tiêm, cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lí cấp cứu kịp thời.
BS Dung khuyến cáo, làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người, đặc biệt với chị em. "Quan trọng nhất là lựa chọn những cơ sở chuyên khoa được cấp phép, các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề được phép tiêm filler, lựa chọn những loại filler đảm bảo chất lượng đã được cấp phép (FDA, Bộ Y tế)...", BS Dung nói.