Giữa tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên khắp cả nước thì vaccine là chìa khóa để chấm dứt đại dịch này.
Hiện nay, Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử, với những nỗ lực để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 với mục tiêu đến hết quý I năm 2022 tiêm chủng cho khoảng 70% dân số, để đạt miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Tại Việt Nam, hiện có 6 loại vaccine COVID-19 đang được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân theo đối tượng ưu tiên gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna và Sinopharm, Sinovac. Nhà sản xuất các loại vaccine này đều khuyến cáo cần tiêm đủ 2 mũi.
Trong đó, vaccine AstraZeneca đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Từ tháng 3/2021, vaccine được triển khai tiêm chủng tại nước ta, hiện là vaccine có số lượng sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.
Đây là loại vaccine phòng SARS-CoV-2, được đồng phát triển bởi Đại học Oxford và Hãng dược nổi tiếng thế giới – AstraZeneca (Vương quốc Anh). Vaccien này có hiệu lực bảo vệ trước tác nhân gây bệnh COVID-19 lên đến 89%, dựa trên kết quả nghiên cứu lâm sàng.
Để giúp mọi người hình dung rõ nét hơn về tác dụng của vaccine AstraZeneca đối với cơ thể, ThS.BS. Đức Anh - Bác sĩ nội trú Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giảng viên Đại học Y Hà Nội - đã chia sẻ đoạn clip ngắn chi tiết trên trang TikTok của mình.
Theo đó, vaccine COVID-19 chứa véc-tơ virus là một phiên bản điều chỉnh của một virus cảm lạnh thông thường vô hại có chứa vật chất di truyền là protein gai của virus gây bệnh SARS-CoV-2.
Các véc-tơ virus này được biến đổi để ngăn chúng sao chép và gây bệnh cho tế bào vật chủ nhưng vẫn có thể chứa vật liệu di truyền nhằm đưa vào trong tế bào.
Vaccine được đưa vào trong cơ thể người thông qua đường tiêm. Sau khi vào cơ thể, véc-tơ virus chưa vật liệu di truyền của protein gai SARS-CoV-2 sẽ liên kết với bề mặt tế bào và hợp nhất với tế bào.
Khi vào trong tế bào, vật liệu di truyền này được xử lý để tạo thành protein gai và xuất hiện trên bề mặt tế bào.
Tế bào lympho B và T thuộc hệ miễn dịch nhận thấy các protein gai này không thuộc về cơ thể con người và tạo ra một đội quân để chiến đấu với kẻ lạ này bằng cách nhân lên thành các tế bào B và T giống hệt nhau.
Tế bào B giải phóng các kháng thể lưu thông trong máu để liên kết với virus và vô hiệu hóa virus. Tế bào T hỗ trợ giúp kích hoạt tế bào B còn tế bào T độc thì loại bỏ các tế bào bị nhiễm bệnh.
Cả tế bào B và T đều tạo thành các tế bào ghi nhớ luôn sẵn sàng nếu sau này có thể có tiếp xúc với virus thật.
Chính lúc này, phản ứng miễn dịch sẽ được kích hoạt để vô hiệu hóa virus và giúp giảm biến chứng do bệnh COVID-19 gây ra.