Dừa là một trong những loại quả ngày càng được nhiều người tiêu dùng trên toàn thế giới yêu thích. Hiệp hội Dừa dự kiến tốc độ tăng trưởng của ngành này đến năm 2025 có thể bình quân đạt 10%/năm.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Leanne Elliston, thuộc Viện Dinh dưỡng Australia nhìn nhận, sở dĩ loại quả này được nhiều người yêu thích đến vậy vì nó không chỉ đem lại giá trị dinh dưỡng mà còn có tính ứng dụng cao trong cuộc sống.
Nước dừa thanh mát, có hàm lượng đường thấp, lại chứa chất điện giải tốt, là lựa chọn lành mạnh thay thế cho các loại nước ép trái cây. Ngay cả cơm dừa cũng mang lại giá trị dinh dưỡng cao.
Thành phần của nước dừa bao gồm: Nước dừa chứa 95% nước, các thành phần khác rất đa dạng bao gồm: Nitơ, acid phosphoric, kali, canxi, magie, sắt, đường khử. Nhờ các thành phần trên nước dừa có tính hàn giúp giải nhiệt, làm mát, giải khát đặc biệt tốt. Nước dừa cũng được sử dụng để tạo nước oresol khi không sẵn oresol tại nhà để bổ sung cho người bệnh mất nước.
Cơm dừa cũng sở hữu hàm lượng chất xơ phong phú, chứa thêm protein, mangan, đồng, sắt và salen. Ngoài ra, dầu dừa được chiết suất từ cơm dừa cũng có tính ứng dụng cao trong nấu nướng và ngành làm đẹp.
Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng người Australia đưa ra lưu ý rằng, điểm trừ là hàm lượng chất béo bão hòa trong dầu dừa cao, có thể góp phần làm tăng nguy cơ cholesterol trong máu. Vì vậy, người có tiền sử bệnh tim hoặc cholesterol cao nên tránh sử dụng dầu dừa.
Ngoài ra, có một số lưu ý bắt buộc phải sử dụng đúng để tránh biến nước dừa trở thành chất không tốt gây hại cho cơ thể. Không nên uống quá 1-2 quả/ ngày, và không nên uống kéo dài. Thực tế một số tác hại của việc uống nước dừa kéo dài nó không đến ngay lập tức như nguy cơ tăng cân (một quả dừa cung cấp khoảng 70-80 Kcal). Hoặc nếu uống vào các thời điểm không thích hợp trong ngày chẳng hạn như: lúc lạnh, lúc ban đêm,... sẽ khiến tay chân bủn rủn, mỏi cơ dân đến khó ngủ ngon giấc.