Mới đây, trên mạng xã hội tiktok đã xuất hiện trào lưu bẻ xương bẻ khớp tạo tiếng kêu rắc rắc vui tai. Nhiều người đã nhờ người thân tự làm, thực hiện theo trào lưu này, tự vặn xương bẻ cốt để tạo tiếng kêu rắc rắc nhằm mục đích “trị bệnh”.
Một số người cũng tự xưng là “thầy thuốc online”, chỉ cần liên hệ đến điều trị sẽ được nắn chỉnh xương khớp để thực hiện đúng chức năng của nó. Những tiếng kêu rắc rắc khi các chuyên gia này bẻ trở thành niềm thích thú của nhiều người dùng mạng xã hội.
Ngoài ra, những video Tiktok của các "thầy thuốc online" thuê những cô gái xinh đẹp về và tiến hành bẻ xương khớp, nắn chỉnh hàm, cổ... kêu rắc rắc nên thu hút được nhiều người theo dõi.
Kể từ khi trào lưu này xuất hiện, đã có rất nhiều “chuyên gia online” tự nhận mình là thầy thuốc nắn chỉnh cột sống. Tạo nên sự tràn lan khủng khiếp của các video, khiến nhiều người hiểu nhầm về tác dụng của vật lý trị liệu.
Trước vấn đề trên, BS CKII Huỳnh Tấn Vũ - trưởng đơn vị điều trị ban ngày cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết trên Tuổi trẻ, bẻ xương khớp là phương pháp chữa trị dùng trong vật lý trị liệu.
Phương pháp này còn được gọi là Chiropractic, cách chữa trị y học bằng tay giúp giảm đau và phục hồi chức năng vận động của con người.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ tình trạng nào của cơ xương khớp cũng có thể bẻ, nắn và không phải bất cứ người nào cũng có thể thực hiện đúng kỹ thuật chuyên môn.
Theo BS Vũ lý giải tiếng rắc rắc phát ra là do sự dịch chuyển các khớp đi lệch ra khỏi hoặc trở về vị trí bình thường ban đầu của chúng. Khi nắn chỉnh xương khớp, tiếng kêu này không thể hiện tính hiệu quả.
"Nhiều bệnh nhân rất thích nghe tiếng kêu rắc rắc, nó là một yếu tố tâm lý, mang đến cho họ sự thoải mái, chưa nghe tiếng rắc rắc thì chưa thấy khỏe.
Một số nơi, đánh trúng tâm lý của khách hàng, người ta thường thực hiện nắn chỉnh kỹ thuật ở những vị trí dễ phát ra tiếng kêu nhằm mục đích biểu diễn, thay vì chú trọng điều trị sao cho đúng", BS Vũ trả lời trên Tuổi trẻ.
Theo BS Vũ, nếu tự ý bẻ khớp bắt chước theo các trào lưu rất dễ dẫn đến những hệ lụy lâu dài cho xương. Trường hợp vùng cổ là vùng quan trọng, nguy hiểm, thao tác bẻ xương không đúng có thể gây chấn thương vùng cổ, gây yếu liệt tứ chi hoặc tổn thương mạch máu tạo thành cục máu đông đi vào não gây tai biến.
“Lạm dụng việc nắn chỉnh quá nhiều có thể gây giãn dây chằng, bao khớp, làm mất vững các cấu trúc, tăng nguy cơ thoái hóa, chèn ép thần kinh", BS Vũ nói.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi cơ thể có cảm giác mỏi cơ, không nên bẻ khớp mà nên thực hiện các biện pháp thư giãn nhẹ nhàng như khi ngồi lâu nên đứng dậy đi lại, xoay vặn người, tập một số động tác thả lỏng khớp, có thể chườm ấm vùng khớp đau mỏi. Nếu gặp các bệnh lý về cơ xương khớp thì phải tìm đến bệnh viện hoặc các cơ sở uy tín để điều trị tránh tiền mất tật mang.
Ngoài trào lưu bẻ xương khớp, nhiều người cũng làm theo trào lưu đưa chai mật ong vào tủ lạnh, để mật ong đông lại thành dạng thạch rồi ăn mật ong đông lạnh như ăn kem.
Mật ong tuy là sản phẩm tự nhiên, nhưng lượng đường trong mật ong rất lớn, vì thế việc ăn một lượng lớn mật ong sẽ rất dễ tiêu chảy, đầy hơi, rối loạn tiêu hóa. Theo các chuyên gia, mật ong đông lạnh cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vấn đề như đường huyết, béo phì, răng lợi và nhiều vấn đề khác.
Một số trào lưu xấu khác như: "Ăn cà rốt chấm mù tạt để giảm cân", "Tự tẩy trắng răng tại nhà bằng baking soda",... Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước các trào lưu trên mạng để tránh tiền mất tật mang.