Thông tin từ bệnh viện cho biết, sản phụ P.T. L (36 tuổi, Đà Nẵng) thai 37 tuần, mang thai lần 4 đột nhiên đau bụng, ra máu đến cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng.
Trước đó, ở tuần thai thứ 35, trong đợt khám thai định kỳ tại khoa Sản – BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng, sản phụ được phát hiện có rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược nguy hiểm cần được theo dõi sát sao.
Tại thời điểm tiếp nhận tại khoa Cấp cứu, tiên lượng đây là một ca sinh khó và nguy cơ cao cho cả mẹ và thai nhi, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn nhanh và quyết định chuyển mổ cấp cứu ngay lập tức để tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và bé.
Sau khi giải thích cho sản phụ và người nhà, ngay lập tức toàn bộ kíp mổ gồm bác sĩ khoa Sản, khoa Gây mê hồi sức, khoa Nhi đều được huy động, phối hợp nhịp nhàng, chuẩn bị đầy đủ mọi phương tiện hồi sức cho ca mổ.
Ca phẫu thuật diễn ra gần 1 tiếng đồng hồ trong sự căng não của cả kíp mổ do bị rau tiền đạo trung tâm bám xuống đoạn dưới, che lấp cổ tử cung kèm rau cài răng lược xuyên qua các lớp cơ tử cung, sang cả bàng quang của sản phụ.
Bác sĩ CKII. Hoàng Việt chia sẻ: “Rau tiền đạo, rau cài răng lược đối với trường hợp của sản phụ P.T.L là rất nguy hiểm do sản phụ mang thai tuổi cao, trước đó đã mổ 3 lần, rau tiền đạo trung tâm, cài răng lược đâm xuyên cơ tử cung và đang nhiễm Covid-19. Nguy cơ chảy máu dữ dội, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng sản phụ trong quá trình phẫu thuật là rất lớn”.
Với sự cố gắng và hướng xử trí tích cực của toàn bộ ekip, sản phụ đã vượt qua "cửa tử", bé gái 3,3kg chào đời khóc to, khỏe mạnh. Sau phẫu thuật, sức khỏe của sản phụ và em bé đều ổn định, hiện tiếp tục được theo dõi sức khỏe và điều trị tại khu điều trị dành riêng cho sản phụ mắc Covid-19 của bệnh viện.
Rau (nhau) cài răng lược là từ chung dùng để mô tả bệnh lý một phần hoặc toàn bộ bánh nhau không bong tróc khỏi thành tử cung sau quá trình sinh nở, mà bám chặt vào cơ tử cung, thậm chí xâm lấn các các cơ quan lân cận như: bàng quang, ruột,... Bánh nhau không thể bong khỏi tử cung có thể gây ra tình trạng băng huyết sau sinh, rối loạn đông cầm máu,... thậm chí gây tử vong cho người mẹ.
Nếu từng sinh mổ, đang bị nhau tiền đạo, khả năng sản phụ bị nhau cài răng lược sẽ khoảng 25%. Nếu từng sinh mổ trên 2 lần, đang bị nhau tiền đạo, khả năng bị sẽ tăng lên 40%. Bên cạnh đó, sản phụ có tiền sử tổn thương tử cung, nạo buồng tử cung, u xơ tử cung,...cũng là yếu tố gia tăng khả năng dẫn đến rau cài răng lược.
Rau cài răng lược có thể được phát hiện sớm qua phương pháp siêu âm thai thông thường, dựa trên kết quả siêu âm, bác sĩ có thể đánh giá được tình trạng, mức độ nguy cơ đến sản phụ và thai nhi, từ đó đưa ra phương án xử trí phù hợp.
Các bác sĩ khuyến cáo, sản phụ nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ có thể mắc rau cài răng lược cần thăm khám thai thường xuyên, định kỳ đặc biệt trong 3 tháng cuối của thai kỳ để kiểm soát được các nguy cơ, biến chứng.