Tối 25/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết số ca bệnh Covid-19 nặng và tử vong trên địa bàn TP có khuynh hướng gia tăng. Khoảng 95% ca tử vong liên quan bệnh lý nền và 85% ca tử vong nằm trong nhóm tuổi trên 50.
Thông tin trên Pháp Luật Online, tính tới thời điểm hiện tại, TP.HCM ghi nhận 461.389 ca bệnh Covid-19 cộng dồn được Bộ Y tế công bố. Hiện có 6.255 ca bệnh đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung và 60.092 ca bệnh đang cách ly, điều trị tại nhà.
Tổng số ca bệnh đang điều trị tại bệnh viện tầng 2 và 3 là 14.342. Số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 2.545. Ngoài ra, 578 ca bệnh là trẻ dưới 16 tuổi và 134 ca bệnh là phụ nữ mang thai.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một cán bộ có trách nhiệm tại Sở Y tế TP.HCM cho hay các bệnh nhân mắc Covid-19 nhập viện tử vong thường tập trung ở nhóm cao tuổi và "không chịu tiêm vắc xin", mặc dù được gia đình, chính quyền động viên.
"Thống kê một ngày các ca tử vong đều có điểm chung trên 50% là chưa tiêm vắc xin", vị này nói.
Ngoài ra còn có một số bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu điều trị bởi một bệnh lý khác (bệnh nền), sau đó xét nghiệm tầm soát mới phát hiện mắc thêm Covid-19. Có người mắc Covid-19 không hề biết mình có bệnh nền. Các trường hợp này, Covid-19 chỉ là tác nhân, còn nguyên nhân tử vong chính vẫn là do mắc các bệnh lý khác, kèm thêm tuổi cao sức yếu.
Một nguyên nhân khác khiến số ca tử vong tăng ở TP.HCM xuất phát từ "yếu tố bên ngoài", tức việc thành phố "gánh" một phần ca tử vong của các tỉnh. Bởi các bệnh nhân nặng từ các tỉnh, thành chuyển đến, TP.HCM phải tiếp nhận điều trị.
"Thường ngày có khoảng 5-6 ca nặng của tỉnh chuyển đến, còn hôm nay có đến 11 ca. Có nghĩa đang có xu hướng các ca nặng chuyển về các bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM và khi tử vong các ca này đều được tính cho TP.HCM", vị này nói.
Để thích ứng an toàn, mỗi người cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Điều này giúp ngành y tế TP.HCM kiểm soát số ca bệnh Covid-19 nằm trong khả năng đáp ứng cũng như bảo vệ nhóm người có nguy mắc bệnh nặng.