Mới đây, chị Lý (27 tuổi) đã đến Bệnh viện chuyên khoa hậu môn và trực tràng Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) để thăm khám sau khi xuất hiện triệu chứng đau bụng dữ dội, nôn mửa. “Nửa đêm tôi bị đau bụng dữ dội, sau đó bị nôn mửa, trong chất nôn còn có màu đỏ sẫm”, chị Lý nói với bác sĩ.
Trước những triệu chứng của nữ bệnh nhân, bác sĩ đã chỉ định chị đi nội soi dạ dày. Qua nội soi dạ dày, bác sĩ phát hiện chị Lý bị viêm loét hoành tá tràng, xuất huyết ở cổ họng, viêm loét dạ dày rất nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, chị có thể bị thủng dạ dày và xuất huyết, thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng.
Bác sĩ sau đó cũng hỏi thăm thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống của chị trong những ngày gần đây để tìm hiểu nguyên nhân mắc bệnh. Qua tìm hiểu, bác sĩ cho rằng bệnh tình của chị Lý phần lớn liên quan tới việc chị ăn bánh trung thu.
Hóa ra, do công việc bận rộn nên trong thời gian gần đây chị Lý phải tăng ca liên tục, thậm chí thời gian ăn uống cũng không có. Do đó, chị đã ăn bánh trung thu thay bữa tối trong 3 ngày liên tiếp và đến nửa đêm thứ 3 thì xuất hiện tình trạng kể trên nên vội vàng tới bệnh viện kiểm tra.
Bác sĩ Khâu Văn Thắng, trưởng khoa tiêu hóa của bệnh viện cho hay: “Các loại bánh trung thu đa số đều được làm từ nguyên liệu thô, có hàm lượng calo cao, nhiều đường và chất béo, quy trình sản xuất chủ yếu là nướng. Do đó, ăn quá nhiều bánh trung thu có thể làm tăng tiết axit dịch vị, phá hủy hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày, xuất huyết, gây biến chứng đường tiêu hóa. Thậm chí, thói quen này còn có thể khiến tình trạng bệnh viêm loét dạ dày, viêm túi mật, sỏi mật, gan nhiễm mỡ, các bệnh khác về gan trầm trọng hơn”.
Bác sĩ Khâu cũng cho rằng, tình trạng dạ dày của chị Lý vốn không tốt lắm do thường xuyên phải chịu áp lực trong công việc, chế độ ăn uống không đều đặn. Nay chị còn ăn nhiều bánh trung thu như vậy nên đã làm tăng gánh nặng cho dạ dày, khiến chị bị loét dạ dày.
Tuy nhiên, vụ việc sau khi được đăng tải trên mạng xã hội đã dấy lên rất nhiều tranh cãi từ dư luận. Nhiều người cho rằng nguyên nhân chính khiến chị Lý mắc bệnh là do việc sinh hoạt không điều độ, không liên quan tới bánh trung thu.
Một người bình luận: “Nguyên nhân là do chế độ ăn uống, nghỉ ngơi không điều độ chứ liên quan gì tới bánh trung thu. Tôi từng phải làm thêm giờ và nhịn đói rất nhiều, cuối cùng đi khám thì phát hiện bị viêm dạ dày ruột cấp tính, mà tôi có ăn chiếc bánh trung thu nào đâu”.
4 lưu ý cần nhớ khi ăn bánh trung thu
- Không nên ăn nhiều khi giảm cân: Bánh trung thu có hàm lượng calo cao, nhiều đường và chất béo nên rõ ràng nó không hề thích hợp để ăn trong quá trình giảm cân. Ngoài ra, ăn quá nhiều bánh trung thu có thể gây đầy bụng, chướng bụng, khó tiêu, chán ăn và tăng lượng đường trong máu.
- Không nên ăn bánh trung thu đã cũ: Các loại bánh trung thu đều chứa nhiều chất béo và những chất này dễ bị biến chất nếu để lâu. Do đó, bạn nên ăn chúng càng sớm càng tốt, không nên ăn bánh đã cũ.
- Những người không nên ăn nhiều bánh trung thu: Người già, trẻ em, phụ nữ đang mang thai, người mắc bệnh tiểu đường, mỡ máu cao không nên ăn nhiều bánh trung thu. Bởi bánh trung thu là thực phẩm có hàm lượng calo cao, nhiều dầu và đường, ăn quá nhiều dễ làm tăng độ nhớt của máu, tăng gánh nặng cho tim, gây thiếu máu cục bộ, dễ gây đau thắt ng.ực và nhồi máu cơ tim, tăng lượng đường huyết ở phụ nữ đang mang thai.
- Nên ăn bánh trung thu kết hợp với uống trà: Sự kết hợp hài hòa giữa bánh trung thu và trà có thể tạo vị ngọt đậm đà hơn và giảm cảm giác béo ngậy, tránh bị ngấy khi ăn bánh.