Học đường

Ý nghĩa ngày khai trường - Khoảnh khắc hàng triệu người bắt đầu một năm mới trong sự nghiệp 'trồng người'

Long Anh (Tổng hợp)
Chia sẻ

Sau mấy tháng nghỉ hè, thầy trò lại gặp gỡ, bắt đầu hành trình mới dưới mái trường. Và dịp khai trường trở thành dấu mốc một chặng quan trọng trong đời người trên đường học vấn.

Ý nghĩa thiêng liêng của ngày khai giảng

Nhiều năm nay, chúng ta đã quen với hình ảnh cứ đến ngày 5/9, cờ hoa lại tung bay ở mọi ngả đường chào mừng ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Trong ký ức của nhiều người, ngày khai giảng bao giờ cũng hiện lên cùng những kỷ niệm đẹp đẽ. Đó là ngày chúng ta đến trường sau mấy tháng nghỉ hè, gặp lại thầy cô, bạn bè và chính thức bắt đầu một năm học mới đầy cam go, thách thức.

Đối với học sinh đầu hay cuối cấp, ngày khai giảng càng có ý nghĩa thiêng liêng hơn. Từ sau khoảnh khắc tiếng trống trường vang lên, các em học sinh đầu cấp sẽ bắt đầu bước đi ở một chặng đường mới. Trong khi đó, những học sinh cuối cấp chuẩn bị rời xa mái trường thân thương, lo lắng chuẩn bị hành trang để vững bước vào đời hoặc chuyển sang cấp học cao hơn.

Dù thế nào, ngày khai giảng đối với tất cả mọi người đều là một dịp lễ rất quan trọng. Cho dù nhiều năm sau đã không còn ngồi trên ghế giảng đường, nhiều người vẫn thấy bồi hồi mỗi lần thu sang, nắng vàng và trời trong xanh, thấy cờ hoa nhuộm kín các trường học và nghe đâu đó tiếng trống trường vang lên… Tất cả những dấu hiệu của ngày khai giảng nhắc cho chúng ta nhớ về những năm tháng thanh xuân bước đi trên giảng đường. Ở đó có nhiều niềm vui, sự nỗ lực và cả những giọt nước mắt đắng cay. Nhưng dù đã từng buồn hay vui, những năm tháng học trò đó có lẽ chính là quãng thời gian đẹp nhất, vui vẻ nhất trong cuộc đời mỗi người.

Một buổi lễ khai giảng ở trường THPT Phan Đình Phùng. Ảnh: Jan 21 ST.

Khai giảng chính là ngày như thế, là một ngày mà hàng triệu con người đang bắt đầu một năm mới trong hành trình “10 năm trồng người”.

Tuy nhiên, gần chục năm trở lại đây, nghi thức khai giảng đầy ý nghĩa này đang có nhiều thay đổi. Theo ý nghĩa đúng của nó, ngày tựu trường là ngày đầu tiên học sinh bắt đầu năm học mới. Tuy nhiên, hầu hết các trường đều tổ chức cho học sinh học hè hoặc chính khóa từ giữa tháng 8. Nhiều người cho rằng điều này làm mất đi sự xúc động của buổi tựu trường, tình cảm thầy trò ngày gặp lại. Từ đó, họ đặt câu hỏi, phải chăng cần một sự thay đổi để tìm thấy ngày khai giảng xưa.

Vì sao ngày 5/9 được chọn là ngày khai giảng trên toàn quốc?

Ngày 5/9 được chọn là “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường” nhưng không phải ai cũng biết vì sao chúng ta lại chọn ngày này để bắt đầu một năm học mới.

Ngày 5/9/1945 - 3 ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các em học sinh nhân khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập mới. Vì thế, ngày này được chọn là ngày lễ khai giảng trên toàn quốc.

Trong lá thư gửi học sinh đầy xúc động ấy, Bác Hồ đã từng viết: “Hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày mở trường ở khắp nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn… Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp”.

Những lời lẽ xúc động ấy giờ đây vẫn được nhắc lại trong những buổi tựu trường. Nhiều năm đã trôi qua, giấc mơ của Hồ Chủ Tịch đã trở thành sự thật. Ngày hôm nay mùng 5/9/2018, hàng triệu người dân Việt Nam lại nô nức hưởng trọn không khí thiêng liêng của ngày tựu trường.

Trong một ngày như thế, chúng ta xin hãy ghi nhớ ý nghĩa đẹp của ngày khai trường, khắc ghi công lao của thế hệ cha anh và đừng vội quên vì sao cả nước lại chọn con số 5/9 để bắt đầu một năm học mới.

Chia sẻ

Bài viết

Long Anh (Tổng hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất