Giáo viên phạt 11 học sinh 901 cái tát nhưng Hiệu trưởng vẫn không biết cho đến khi có người phải nhập viện?
Như chúng tôi đã đưa tin, những ngày qua dư luận vô cùng bức xúc trước thông tin nữ giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2 trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh) đã ra lệnh cho cả lớp tát em Nguyễn Long N. tổng cộng 231 cái tát khiến nạn nhân phải nhập viện trong tình trạng mặt sưng tím tái.
Đáng chú ý, em N. không phải là người duy nhất bị giáo viên Nguyễn Thị Phương Thủy (SN 1977) phạt theo hình thức nêu trên. Trước đó, từng có 9-10 học sinh bị phạt tát tập thể. Sau vụ việc của em N., ở lớp 6.2 đã có tổng cộng 11 học sinh “lĩnh” hơn 900 bạt tai.
Được biết, cô Thủy bắt đầu nhận chủ nhiệm lớp 6.2 từ đầu năm 2018-2019. Suốt một khoảng thời gian khá dài như vậy, hình phạt gây tổn hại đến cả thể xác lẫn tinh thần học sinh vẫn luôn được áp dụng nhưng Ban giám hiệu nhà trường lại không hề hay biết và kịp thời ngăn cản(?).
Theo lời học sinh làm lớp trường ở lớp 6.2, trước N. đã có nhiều học sinh bị phạt tát, tuy nhiên N. là người bị nặng nhất. Thời điểm bị cô giáo yêu cầu, dù không muốn nhưng cậu bé vẫn phải đứng lên tổ chức cho các bạn trong lớp cùng nhau tát N.
Khi tát được nửa chừng, thấy cô Thủy xuất hiện ở hành lang quan sát, một bạn hỏi: “Cô ơi có tát nữa không?”. Lúc này, dù thấy học sinh chịu khổ nhưng cô Thủy vẫn không nương tay mà ra lệnh tát đến khi nào đủ thì thôi. Em N. bị đau nên buột miệng “Em ghét cô” liền bị cô trực tiếp tát cho 1 cái. Tổng số, N bị 231 cái tát mạnh.
Đáng nói ở trường học luôn có rất đông học sinh, thầy cô giáo, tuy nhiên, toàn bộ quá trình khi vụ việc xảy ra, không một ai lên tiếng can ngăn? Thậm chí, khi nói về cô Thủy, một giáo viên khác trong trường còn cho rằng lớp 6.2 rất nghịch ngợm, để quản lớp tốt, cô Thủy phải đi sớm về muộn, có nhiều nỗ lực trong công việc(!).
Quay trở lại câu chuyện ở phía Ban giám hiệu, chẳng những việc phạt tát tập thể đã được quy định từ lâu nhưng nhà trường vẫn ngó lơ, khi vụ việc của em N. xảy ra, nhà trường cũng không biết mà ngay cả lúc câu chuyện này vỡ lở thì cô Hiệu trưởng vẫn còn xin báo chí đừng lên tiếng vì trường sắp được công nhận trường chuẩn quốc gia cấp độ II.
Giải thích về điều này, cô Phạm Thị Lệ Anh - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường sắp “lên chuẩn” nên không muốn vì một cá nhân mà ảnh hưởng tới tập thể.
Đáng chú ý, nhà trường cũng đặt ra rất nhiều tiêu chí thi đua khắt khe, bao gồm sĩ số, tư cách đội viên, sinh hoạt đầu giờ và giữa giờ, vệ sinh, khu để xe đạp, nội dung khác… Mỗi tiêu chí có 10 điểm và bị trừ nếu lớp nào có học sinh vi phạm. Trong các tiêu chí này, chửi thề bị trừ năm điểm, vô lễ bị trừ 10 điểm.
Vì đang trong quá trình phấn đấu trở thành trường chuẩn quốc gia nên tiêu chí thi đua rất gắt gao, việc chửi tục bị trừ điểm rất nặng. Lớp 6.2 thường xuyên mắc lỗi này và đứng “đội sổ” toàn trường về thành tích thi đua.
“Đội quy định nếu lớp học có em học sinh nói tục là bị trừ 5 điểm, nên đã tạo áp lực cho giáo viên chủ nhiệm”, cô Phạm Thị Lê Anh thừa nhận.
Tuy nhiên, khi nói về cô Thủy, nữ Hiệu trưởng vẫn có ý muốn bao che khi nói rằng: “Vì muốn lớp tiến bộ nên cô Thuỷ đã giáo dục học sinh, nhưng biện pháp của cô đưa ra không đúng, mong phụ huynh thông cảm”,
Việc cô Thủy phạt tát học sinh 231 cái chắc chắn là điều đáng trách. Tuy nhiên, khi nhìn nhận lại nguyên nhân vụ việc và những áp lực về điểm số thi đua thì có lẽ, người phải chịu trách nhiệm không chỉ có một mình cô Thủy. Nhiều người cũng nêu ý kiến rằng, nếu như cô Thủy bị chịu kỷ luật đình chỉ công tác thì nữ Hiệu trưởng THCS Duy Ninh cũng không tránh khỏi liên đới! Tuy nhiên, quyết định kỷ luật và việc xem xét trách nhiệm của cô Phạm Thị Lê Anh đến nay vẫn chưa được phía Phòng và Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đề cập.
Điều đáng nói nữa là sau khi sự việc xảy ra, nhà trường và chính quyền địa phương đến gia đình học sinh N. để thăm hỏi nhưng chủ yếu là thuyết phục gia đình không làm to chuyện vì trường sắp đạt trường chuẩn quốc gia.
Cô giáo cũng đã đến nhà học sinh đưa 10 triệu đồng và xin tha thứ nhưng gia đình đã trả lại. Điều này có thể cho thấy, vụ việc của em N. là hệ quả của căn bệnh coi trọng thành tích khi ngay cả Hiệu trưởng cũng vì muốn bảo vệ thành tích của nhà trường mà làm ngơ, xin báo chí, xin phía gia đình “không làm to chuyện”.
Phòng GD&ĐT đã biết nhưng còn “ém” thông tin?
Trả lời Zing.vn, ông Lê Ngọc Huân - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh - cho biết khi sự việc này vỡ lở, ngày 22/11, Phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh đã biết nhưng “ém” thông tin lại, không báo cáo sự việc với cấp trên.
Cho tới ngày 23/11, khi nhận được công văn hỏa tốc từ huyện ủy, UBND huyện mới có công văn chỉ đạo Trưởng phòng GD&ĐT huyện xử lý, đình chỉ công tác đối với cô giáo Thủy.
Đáng chú ý, sau khi phụ huynh phát hiện có thêm 10 học sinh từng bị cô giáo phạt tát tương tự, đến ngày 26/11, phòng GD&ĐT huyện cũng chưa có báo cáo lên lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện.
Thông tin do ông Huân cung cấp đã khiến nhiều người đặt ra nghi vấn không chỉ có Hiệu trưởng muốn bao che mà ngay cả Phòng GD&ĐT cũng muốn “ém” thông tin để tránh ảnh hưởng đến thành tích, chấp nhận bao che cho sai phạm để trường THCS Duy Ninh được vào chuẩn quốc gia mức độ 2?
Liên quan đến vụ việc trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã nêu quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm và không chấp nhận vụ việc này dù với bất cứ lý do gì. Hhiện Công an Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố hình sự cô Nguyễn Thị Phương Thủy. Vụ việc cũng đang trong quá trình điều tra, làm rõ. Đến lúc này, dư luận cũng rất mong mỏi cơ quan chức năng sẽ có câu trả lời thỏa đáng, xử lý nghiêm những người vi phạm và bao che cho sai phạm.