Học đường

Vì sao nhiều tỉnh gần 90% thí sinh có điểm thi Lịch sử dưới 5?

Theo Zing
Chia sẻ

Cô Nguyễn Huyền Thảo cho rằng nhiều thí sinh chọn thi Lịch sử vì nghĩ đề "dễ thở, dễ đánh bừa". Không ít em chọn môn thi này để xét tốt nghiệp nên chỉ cần qua điểm liệt.

Theo thống kê ban đầu, tại TP.HCM, môn Lịch sử có đông thí sinh đăng ký thi nhất ở tổ hợp bài Khoa học Xã hội, với 27.941 em. Kết quả, chỉ 19,1% bài thi đạt từ 5 điểm trở lên. 80,9% bài thi có điểm dưới trung bình.

Điểm trên trung bình môn Lịch sử ở Đồng Nai chỉ chiếm trên 12,7% và có tới 87,3% bài thi điểm dưới 5.

Tại Đà Nẵng, 90% thí sinh đạt dưới 5 điểm môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

“Tâm lý đánh bừa”

Lý giải nguyên nhân điểm môn Lịch sử tại một số tỉnh miền Trung và miền Nam thấp, cô Nguyễn Huyền Thảo, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), cho rằng kết quả này được dự báo từ ngay khi kết thúc môn thi.

Cô Huyền Thảo - giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM. Ảnh: NVCC.

Nữ giáo viên nhận định đề thi Sử năm nay mang tính phân hóa cao, đòi hỏi thí sinh phải hiểu rõ bản chất các sự kiện chứ không thuần về học thuộc lòng như trước.

Trong khi đó, không chỉ ở TP.HCM mà nhiều nơi, việc dạy học theo hướng phát huy năng lực của học trò chưa được rộng rãi, dù Bộ GD&ĐT đã định hướng cách đây vài năm.

Phần lớn giáo viên vẫn dạy theo lối mòn, tư duy học thuộc lòng, học sinhcũng không có kỹ năng đọc hiểu, đọc phân tích vấn đề. Với biên độ đề thi rộng như năm nay, thí sinh cũng không học thuộc lòng được, dẫn đến điểm thi thấp.

Mặt khác, theo cô Thảo, môn Lịch sử nói riêng và bài thi Khoa học Xã hội nói chung được nhiều thí sinh lựa chọn vì nghĩ “dễ thở” và “dễ đánh bừa” hơn các môn tự nhiên.

Những thí sinh chỉ lấy kết quả để xét tốt nghiệp làm bài với tâm lý qua điểm liệt là được, dẫn đến kết quả môn Lịch sử thấp.

Kết quả buồn nhưng không bất ngờ

Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên môn Lịch sử, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, cho biết ông buồn nhưng không bất ngờ với kết quả của môn thi này.

Theo ông Hiếu, có 3 lý do cơ bản khiến phổ điểm thi môn Sử của các thí sinh tại khu vực miền Trung và phía Nam thấp.

Thứ nhất, nhiều năm qua, số học sinh THPT ở TP.HCM chọn học và thi khối C trong kỳ thi đại học trước đây và THPT quốc gia hiện nay thấp hơn nhiều so với các tỉnh miền Bắc.

Ở TP.HCM, học sinh chú trọng nhiều hơn việc học và thi những môn về tự nhiên như: Toán, Lý, Hoá, Sinh… để lựa chọn chuyên ngành về Tài chính, Ngân hàng, Ngoại thương, Công nghệ Thông tin… Bởi vậy, số thí sinh theo học các ngành sư phạm, khoa học xã hội và nhân văn cũng không nhiều như ở miền Bắc.

Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Thứ hai, phần nhiều thí sinh bị dưới điểm trung bình chọn Lịch sử là môn thi công nhận tốt nghiệp. Nhiều em chọn tổ hợp môn xã hội để thi vì quan niệm rằng tổ hợp này dễ hơn. Tâm lý chung của những thí sinh này là chỉ cần qua điểm liệt là đỗ tốt nghiệp, chứ không quan tâm cao hay thấp.

Thứ ba, vì tính thực dụng của lựa chọn khối thi, ngành nghề, hướng tới chỉ cần đủ điểm đỗ tốt nghiệp, nhiều em dồn thời gian và tâm lực vào ôn môn xét tuyển đại học. Không ít thí sinh chủ quan trong quá trình làm bài thi trắc nghiệm môn Sử.

Có em gặp câu hỏi phân hóa, nâng cao chủ yếu là dựa vào yếu tố may - rủi, đoán mò chứ không phải tự tin để lựa chọn phương án nào sai, phương án nào đúng.

Thầy Tạ Quang Quyết - giáo viên dạy Lịch sử tại Hà Nội - cho hay trên 80% và thậm chí gần 90% điểm Lịch sử dưới trung bình thì “thật bất ngờ”.

Giáo viên này cho rằng điểm thi thấp do đề có sự phân hoá ở mức cao, nhiều câu phải thật sự chuyên sâu, khái quát hoá cao mới có thể giải được chính xác.

Thầy Quyết nói nếu dạy học theo cách như năm ngoái, học sinh khó có thể làm được đề năm nay vì dạng hỏi sự kiện hiếm xuất hiện trong tất cả mã đề. Nếu học kiểu nhận biết sự kiện, các em chỉ đạt mức 30%-40%.

Thầy Tạ Quang Quyết nhiều năm liền tổ chức ôn thi miễn phí cho học sinh. Ảnh: Kiều Trang.

“Do người dạy và học sa đà vào làm đề trắc nghiệm mà quên rằng học kiến thức sách giáo khoa, sự kiện lịch sử, nhận định, đánh giá sự kiện là rất quan trọng, và không được chú ý đúng mức. Khi đề có câu thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, học sinh sẽ không thể làm được”, giáo viên này nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo thầy Quyết, hàm lượng kiến thức môn Lịch sử quá rộng đối với các bạn không chuyên. Nó không phải kiến thức dạng tầng như các môn khác mà là rộng nên nếu mở rộng chương trình, các em phải học nhiều, không thể sâu được.

Theo thầy Tạ Quang Quyết, đề thi Lịch sử có sự phân hóa rất cao, khó hơn so với đề thử nghiệm.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Zing

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất