Học đường

‘Thiếu niên nói’: Cha mẹ học được gì trong cách dạy con qua một show truyền hình thực tế?

Phương An
Chia sẻ

Gameshow Teenager said (Thiếu niên nói) không chỉ đơn thuần là một chương trình thực tế mà còn mang nhiều ý nghĩa hơn nữa, nổi bật là phương pháp giáo dục từ gia đình.

Bạn đã từng lắng nghe câu chuyện của những đứa trẻ khác chưa? Bạn có biết những đứa con của mình thực sự muốn gì hay từ trước tới nay, phương pháp dạy con của bạn liệu có phù hợp hay không? Nếu còn đang thắc mắc thì show truyền hình thực tế Thiếu niên nói sẽ giúp bạn giải đáp những vấn đề này.

Thiếu niên nói đã thu hút hàng triệu khán giả trên toàn châu Á với nhân vật có thể là học sinh cấp 1, cấp 2 hoặc cấp 3 sẽ đứng ở trên ban công và nói thật to điều mình muốn nhắn gửi trước gia đình, thầy cô, bạn bè…

Show Thiếu niên nói không thảo luận việc đúng hay sai mà chương trình còn có ý nghĩa hơn rất nhiều, bởi chương trình là nơi giúp con trẻ thể hiện sự dũng cảm, dám nói lên những điều thầm kín nhất trong lòng và cũng là cầu nối giúp các bậc phụ huynh hiểu con cái hơn. Trong show Thiếu niên nói, không ít các bậc phụ huynh bất chợt nhận ra rằng thì ra phương pháp dạy con của mình từ trước tới nay đều có vấn đề, mình cần phải dành nhiều thời gian hơn nữa để bên cạnh con, bầu bạn cùng con hay cần phải tôn trọng sở thích và quyết định của con trẻ…

Nỗi lòng những đứa trẻ

Có lẽ rằng sai lầm lớn nhất trong phương pháp dạy con đối với nhiều bậc phụ huynh đó chính là thường xuyên phê phán con cái và dùng đòn roi quá vội vã. Trong quá trình nuôi dạy con cái, do không đủ kiên nhẫn giải thích cộng thêm áp lực từ cuộc sống mà nhiều bậc phụ huynh không tiếc tay đánh mắng trẻ con, dùng đòn roi quá vội vã và thiếu kiểm soát. Tuy nhiên, đòn roi chỉ chấm dứt được hành động sai trái của trẻ lúc đó, không thể giải quyết tận gốc vấn đề và vô hình chung, các bậc phụ huynh đã tước mất cơ hội giúp trẻ nhận lỗi và sửa sai.

Bên cạnh đòn roi, các bậc phụ huynh cũng thường có thói quen áp đặt mục tiêu, sở thích của mình cho con cái hay thậm chí là sắp đặt tương lai của con cái. Nhiều lúc họ cứ làm mà không cần hỏi ý kiến con cái rằng chúng có thật sự thích hay không và điều đó có thật sự phù hợp với con của mình. Đó là câu chuyện cô bé lớp 7 ở Trung Quốc đứng trước đám đông “tố cáo” việc bị mẹ bắt chụp ảnh tạo dáng quá nhiều trong mỗi chuyến đi du lịch.

Vừa nói cô bé vừa tạo những dáng kinh điển mà mẹ em thường bắt đứng để chụp ảnh. Những hành động đáng yêu và lời “tố cáo” của cô bé nhanh chóng nhận được sự đồng cảm của mọi người. “Tạo các kiểu dáng này, mẹ cho là đẹp. Thế nhưng, con không thích nổi những kiểu dáng đó. Con cũng không thích chụp ảnh“, cô bé lớp 7 dõng dạc nói.

Mặc dù trước đó con gái đã nói rằng mình không thích nhưng người mẹ vẫn bất chấp, ép buộc con tạo dáng với lý do “đi chơi tốn nhiều tiền như vậy mà không được chụp ảnh để làm lưu niệm ư?” hay chụp ảnh là để lưu giữ những khoảnh khắc của con, để sau này dù con có đi xa, cha mẹ cũng có thể lấy ảnh ra để nhìn ngắm, hoài niệm. Thế nhưng, điều này vô hình khiến con cái khó chịu, không thoải mái. Sau khi bị con “tố cáo”, bà mẹ đã đồng tình với quan điểm của con, hứa rằng sau này sẽ tôn trọng con, không ép con chụp ảnh nữa.

Video: Cô gái 'tố cáo' về việc bị mẹ ép chụp ảnh trong mỗi chuyến du lịch trước đám đông (Nguồn: Đa cấp team)

Đó cũng có thể là câu chuyện của một cô gái về việc mẹ muốn cô trở thành một giáo viên, có một cuộc sống đơn giản, hạnh phúc thay vì công việc kiến trúc sư với nhiều khó khăn, vất vả mà cô gái muốn. Tuy trước đó cô gái có bày tỏ ước mơ của mình với mẹ nhưng thứ cô nhận lại chỉ là những câu nói hời hợt: “Sau này con sẽ phải hối hận thôi” hay “Con chưa đụng phải tường thì chưa biết đau“, “Con gái chỉ cần một nghề nghiệp bình thường đơn giản mới tốt“.

Chung quy lại vẫn là ba mẹ muốn bảo vệ con cái không bị tổn thương, nhưng họ lại quên rằng tổn thương là quá trình để trưởng thành, dựa vào chính mình mà thành công thì con cái của họ mới có một cuộc sống hạnh phúc, bay cao bay xa. Sau những lời bộc bạch của con gái, người mẹ không cầm nổi nước mắt, hiểu và tôn trọng quyết định của con gái - khoảnh khắc đó ý nghĩa và đáng trân trọng đến nhường nào!

Video: Cô gái mong mẹ ủng hộ ước mơ trở thành kiến trúc sư của mình (Nguồn: Tuổi trẻ cuồng nhiệt)

Hoặc đôi lúc chỉ là những câu đùa của người lớn cũng khiến con trẻ bị tổn thương, nhưng các bậc phụ huynh lại không hề biết đến điều đó. Một số người thường lấy chuyện từ ngày còn “tè dầm” của con ra để đùa hay những khuyết điểm trên cơ thể con để làm trò mua vui mà không lường trước những hậu quả. Trong mắt bố mẹ, đó chỉ đơn giản là một câu chuyện cười bình thường nhưng mỗi lần đem câu chuyện đó ra để nói trước mặt người khác, nó lại vô tình khiến con bạn bị tổn thương, lâu dần có thể khiến trẻ bị mặc cảm, tự ti về bản thân mình, ngại giao tiếp với người khác.

Chẳng hạn một cô bé trong chương trình Thiếu niên nói đã phải đứng trước toàn trường để xả nỗi uất ức khi bị bố chê béo, bố cô bé thậm chí còn bị dọa rằng nếu cứ béo như vậy thì sau này sẽ không có người yêu. Tuy nhiên, cô bé này đã đáp trả rất tài tình bằng cách nói rằng “gen mập” là do bố cô bé ban cho, chứ không phải là lỗi của cô. Không chỉ vậy, cô gái còn tự biến ba mình thành tấm gương để noi theo khi nói rằng “nếu ba ăn thịt thì con cũng sẽ ăn thịt, nếu ba giảm cân thì con cũng sẽ giảm cân giống ba”. Các bậc phụ huynh à, con cái cũng cần thể diện không khác gì người lớn đâu!

Video: Cô bé bức xúc đáp trả khi bị ba chê béo

Khi các con cần sự khích lệ từ ba mẹ

Không chỉ đơn thuần là cách dạy con, nhiều bậc làm cha làm mẹ cũng phạm không ít sai lầm vì dành nhiều thời gian cho con út hơn là con lớn hay ít quan tâm con vì guồng quay công việc và áp lực của đồng tiền, xã hội. Đó là câu chuyện của một cô bé chỉ có thể gặp bố mẹ vài lần một tháng vì bố mẹ bé quá bận rộn với công việc. Thậm chí, phạm phải sai lầm hay có thành tích học tập không tốt, cô bé muốn được bố mẹ càm ràm nhắc nhở nhưng điều đó dường như cũng là một việc quá đỗi xa xỉ.

Khi thành tích học tập của cô bé có tiến bộ, thậm chí còn được thầy cô giáo tuyên dương nhưng bố mẹ - những người sinh thành ra cô - lại không hề biết đến. Và ngay cả buổi họp phụ huynh của con, bố mẹ cô bé cũng không thể tới tham gia vì bận đi làm. Sau khi nghe con gái nói, cặp bố này mới nhận ra từ trước tới nay họ đã quá sao nhãng trong việc chăm sóc, quan tâm con. Vậy điều mà những đứa trẻ mong muốn từ bố mẹ là gì? Đó là điều kiện, vật chất đầy đủ hay chỉ đơn giản là khoảng thời gian gia đình bên cạnh nhau?

Khi sinh thêm đứa con thứ 2, thứ 3, một số bậc phụ huynh thường quan tâm nhiều hơn đến đứa con nhỏ của mình mà đôi lúc “quên mất” rằng họ còn có đứa con lớn. Lý do các bậc phụ huynh thường đưa ra để bao biện cho hành động này của mình là “em nhỏ hơn nên cần bố mẹ quan tâm chăm sóc nhiều hơn”. Thế nhưng, hai từ “nhiều hơn” này dường như lại chiếm hết thời gian của các ông bố bà mẹ, khiến họ quên mất rằng đứa con lớn cũng cần sự quan tâm, yêu thương của bố mẹ và nếu sự quan tâm không được phân đều, có thể khiến đứa con lớn bị tổn thương và có những suy nghĩ tiêu cực như ghét em hay dần dần xa lánh bố mẹ.

Đó là câu chuyện của một cô bé đã “cầu xin” một chút sự quan tâm của bố mẹ, vì cô bé cảm thấy bố mẹ chỉ suốt ngày xoay quanh đứa em gái 9 tuổi mà thờ ơ với cô. Không còn những hành động vội vã ngày nhỏ khi cô bé bị ốm, không còn những lời hối thúc của mẹ và thậm chí mẹ cô bé còn quên mất việc đón bé về nhà cho tới khi cô giáo của bé gọi điện. “Mẹ quên mất, mẹ tưởng con về nhà rồi“, đó là câu nói đầu tiên của mẹ cô bé khi nhận được cuộc gọi từ cô giáo.

Video: Cô bé mong bố mẹ dành một chút quan tâm cho mình (Nguồn: Tuổi trẻ nồng nhiệt)

Một chữ “quên” thốt ra từ miệng người mẹ thật dễ dàng nhưng nó lại xoáy sâu vào tim của cô bé, để em phải khóc nức nở “cầu xin” mẹ một chút thời gian dành cho mình trong chương trình Thiếu niên nói ngay trước đám đông. Những câu nói của cô bé không chỉ khiến người mẹ nhận ra sự thờ ơ của mình mà còn khiến nhiều bạn nhỏ khác khóc nức nở theo, có thể là họ xúc động trước câu chuyện của cô bé hoặc cũng có thể là những đứa trẻ đó khóc cho chính mình vì gặp phải trường hợp tương tự.

Nhìn bề ngoài, Thiếu niên nói chỉ đơn thuần là một chương trình thực tế nhưng ẩn sâu bên trong nó còn mang nhiều ý nghĩa hơn nữa và nổi bật là phương pháp giáo dục từ gia đình. Học kiến thức từ sách vở và trên ghế nhà trường là chưa đủ, bởi thái độ và suy nghĩ của trẻ em còn phụ thuộc vào cách giáo dục và sự quan tâm của cha mẹ nữa. Vì vậy, thay vì áp đặt, thờ ơ hay sử dụng đòn roi, các bậc phụ huynh hãy làm bạn với con, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của con để thêm hiểu con cái.

Chia sẻ

Bài viết

Phương An

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất