Học đường

Những ngôi trường đuổi học sinh viên như cơm bữa vì nội quy khắt khe

Trân Trân (Tổng hợp)
Chia sẻ

Nếu bạn đang có ý nghĩ "học đại học sướng lắm", vì không ai quản, không sợ bị đuổi, rớt môn có thể thi lại thì bạn đã nhầm. Không tin ư, bạn hãy xem số sinh viên bị đuổi khỏi các trường này mỗi năm sẽ rõ.

Học đại học là mở ra một chương mới trên con đường tiếp nhận tri thức của các bạn sinh viên. Học đại học không hề dễ dàng như nhiều người nghĩ, có thể bạn sẽ không chịu sự quản thúc kĩ càng như những năm cấp 3, nhưng nếu không tự giác trong việc học, bạn vẫn có thể bị đuổi như thường. Đặc biệt, các trường đại học sau đây, nổi tiếng với nội quy khắt khe, sẵn sàng đuổi thẳng tay các sinh viên lười biếng:

Đại học Bách Khoa Hà Nội

Đây là ngôi trường nổi tiếng nằm ở tốp đầu các trường đại học, sinh viên muốn đậu vào trường phải vượt qua bao khổ ải với mức điểm khá cao. Nhưng khác với nhiều trường đại học khác, ĐH Bách Khoa Hà Nội rất cứng rắn trong việc đánh giá ý thức học hành của sinh viên. Và nếu sinh viên không đủ năng lực, sẽ bị đình chỉ học thẳng tay.

“Mỗi năm, trường buộc thôi học từ 700 đến 800 sinh viên do không đảm bảo việc học”, ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết.

“Lý do chủ yếu là do các em mải chơi chứ không phải do chương trình học quá khó. Các sinh viên chơi điện tử và đủ thứ trò, không tập trung vào việc học hành, chứ nếu cố gắng thì tôi nghĩ không em nào không qua được cả”.

Nhờ vào động thái rà soát năng lực sinh viên cứng rắn này, mà chất lượng giảng dạy cùng lứa sinh viên sau khi tốt nghiệp của trường đều được đánh giá cao. Đồng thời, hành động buộc thôi học do trường áp dụng cũng là tấm gương để răn đe cho các sinh viên còn lại.

ĐH Y dược Hải Phòng

Chỉ trong năm 2017, ĐH Y dược Hải Phòng đã đình chỉ và đuổi học 157 sinh viên với tuyên bố: “Sinh viên phải tỉnh táo, không phải cứ vào trường được là ra trường được” từ TS. Nguyễn Hải Ninh, Phó Phòng Đào tạo trường.

Sinh viên thuộc đối tượng đình chỉ hay buộc thôi học đều đã có hai lần thi. Nếu lần thi chính thức đầu tiên sinh viên không đủ điều kiện để qua môn thì sẽ được thi lại. Ở lần thi lại nếu sinh viên không qua được môn học sẽ phải học lại, điểm tổng kết cả năm học dưới 5.0 nhà trường sẽ đình chỉ học 1 năm. Căn cứ trên kết quả học tập của sinh viên trong nhiều kỳ, nếu quá kém sẽ buộc phải thôi học.

“Đây là điều rất đáng tiếc nhưng chúng tôi buộc phải làm. Bởi chỉ có dừng học 1 năm thì sinh viên mới có cơ hội và lộ trình để trả nợ môn học, có đủ kiến thức để đảm bảo chất lượng học tập cho các kỳ học sau. Nếu như nhà trường tiếp tục để cho các em học mà không quan tâm đến chất lượng thực của các em thì có thể chỉ ngay năm sau các sinh viên này sẽ rơi vào vùng đối tượng buộc phải thôi học”, ông Ninh chia sẻ với báo chí.

TS. Nguyễn Hải Ninh cũng thẳng thắn bày tỏ trước quan niệm của không ít sinh viên ngành y cho rằng xã hội đang thiếu nhiều bác sĩ thì sinh viên ngành y sẽ được ưu ái. Ông nhấn mạnh rằng sinh viên cần tỉnh táo, không học đàng hoàng thì đừng mong tốt nghiệp.

ĐH Luật TP. HCM

Mỗi năm, ĐH Luật TP. HCM cũng đình chỉ và buộc thôi học với hàng trăm sinh viên. Riêng năm ngoái, đã có gần 200 sinh viên bị buộc thôi học, đình chỉ một năm hoặc cảnh cáo học vụ do đạt kết quả kém trong học tập.

Đại diện phòng Đào tạo (ĐH Luật TP. HCM) cho biết lí do vì sao lại có nhiều sinh viên bị buộc thôi học như sau: “Có nhiều em đã đậu chính quy ở một ngành nào đó, nhưng cảm thấy không phù hợp nên bỏ ngang việc học để ôn thi ngành khác. Nhiều em do học yếu, điểm rất kém”.

Phía trường ĐH Luật TP. HCM cho rằng tỷ lệ sinh viên bị thôi học như vậy là không nhiều, để đảm bảo lứa sinh viên đầu ra đủ năng lực phục vụ cho xã hội, thì nhà trường cần cứng rắn trong việc sàng lọc sinh viên từ những năm đầu.

Siết đầu ra - câu chuyện được xem là rất bình thường ở các trường đại học nước ngoài, giờ đây đã được nhiều ĐH ở Việt Nam áp dụng hơn. Một số trường ĐH lớn đã bắt đầu siết chặt, sàng lọc sinh viên. Đây cũng là động thái tốt, giúp các bạn sinh viên phải nâng cao ý thức tự học của mình, để tấm bằng ngày tốt nghiệp thực sự có giá trị hơn.

Chia sẻ

Bài viết

Trân Trân (Tổng hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất