Học đường

Những lần bìa sách khiến người đọc 'khóc thét' vì khác 'một trời một vực' so với nội dung

Nhật Minh
Chia sẻ

Mặc dù là sách và được bày bán rộng rãi trên thị trường với một bộ phận độc giả trong đó có cả học sinh, thế nhưng những hình ảnh trên trang bìa lại gây “nhức mắt”, phản cảm và tạo nên làn sóng phản ứng mạnh mẽ của dư luận.

Từ trước đến nay, sách luôn được xem là một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống. Bên cạnh việc cung cấp tri thức vô tận cho con người thì đây còn được xem như là một trong những nơi để mỗi một người có thể giải tỏa căng thẳng, hòa mình vào trong từng nhân vật, từng trải nghiệm trong quyển sách, qua đó hướng tới những chân – thiện – mỹ trong cuộc sống thường nhật.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, các thiết bị điện tử thông minh đã dần trở nên phổ biến, thế nhưng không ít người dùng vẫn giữ cho mình thói quen đọc sách, điển hình như các cô cậu học trò, sinh viên, giới tri thức, doanh nhân,… Tuy nhiên cũng có những lần các quyển sách này phải khiến người xem hoang mang bởi hình ảnh trên trang bìa không phù hợp với nội dung hay tạo sự phản cảm, thiếu tôn trọng độc giả,…

Bìa sách in hình nàng Kiều khỏa thân bị chỉ trích nặng nề

Năm 2015, một quyển sách được phát hành nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du đã gây xôn xao mạng xã hội cũng như giới yêu sách Việt Nam khi hình ảnh trên bìa sách được xem là vô cùng phản cảm, dung tục. Theo đó, quyển sách này chính là “Truyện Thúy Kiều” (do hai tác giả Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, Công ty Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành).

Trong số các bản Kiều quốc ngữ, bản “Truyện Thúy Kiều” do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo đã được công nhận là bản được phổ biến sâu rộng hơn cả qua các thế hệ người đọc gần một thế kỷ nay. Tuy nhiên, điều khiến cuốn sách này gây tranh cãi chính là phần trang bìa được in bức tranh nàng Kiều đang khỏa thân tắm. Theo nhiều ý kiến, ảnh bìa của quyển sách không lột tả được toàn bộ câu chuyện về nàng Thúy Kiều cũng như ảnh đứng tắm có phần dung tục, gây phản cảm và khiến cho khán giả hiểu lầm về nội dung cuốn sách.

Những lần bìa sách khiến người đọc 'khóc thét' vì khác 'một trời một vực' so với nội dung Ảnh 1
Ảnh bìa của quyển sách gây phản cảm với chi tiết nàng Kiều đang khỏa thân tắm

Theo giải thích từ phía đơn vị sản xuất, bìa của quyển sách này do ông Lê Văn Đệ, một họa sĩ nổi tiếng được đào tạo cả ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương lẫn ĐH Mỹ thuật Paris vẽ. Đây là một bức tranh đẹp, dùng nhiều màu đen, có nhiều không gian cho thiết kế, vẽ theo phong cách như tranh khắc, rất khỏe khoắn. Bức vẽ minh họa cho câu thơ: “Rõ màu trong ngọc trắng ngà/Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”, lột tả vẻ đẹp của Thúy Kiều khi tắm.

Phía NXB cũng khẳng định: “Họa sĩ Lê Văn Đệ vốn là họa sĩ hàng đầu Việt Nam. Ở bức tranh này, ông không đi theo lối tả thực mà lại chọn vẽ theo lối tượng trưng, ước lệ, theo phong cách tranh khắc. Tựu trung lại, đây là một bức vẽ khá gián cách, không hề có một chút tả chân nào, và dĩ nhiên càng không nhuốm điều gì có thể coi là dung tục”.

Sách luật nhưng lại in hình… nghệ sĩ Công Lý!

Vào năm 2014, một sự việc đáng tiếc khác lại xảy ra khiến nhiều người “dở khóc dở cười” khi cuốn sách mang tên “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” do NXB Lao động – Xã hội ấn hành đã trở thành chủ đề thu hút sự chú ý khi lắp ghép khuôn mặt của nghệ sĩ Công Lý ngay trên bìa sách. Được biết, số lượng xin cấp phép quyển sách này là 1.000 cuốn, số lượng in thực tế 500 cuốn, trong đó sách nộp lưu chiểu là 20 cuốn.

Ðiều đáng chú ý ở đây chính là trên bìa sách có in hình một người đứng trên quả cầu lửa, hai tay cầm hai cán cân. “Người mẫu” này không phải là vị thần Công lý trong truyền thuyết mà là người thật, “bằng da bằng thịt”, trên người chỉ mặc đúng một chiếc quần nhỏ. Khuôn mặt được cắt ghép, đang cười rất tươi. Nhiều độc giả sau đó đã dễ dàng nhận ra đây chính là hình ảnh của diễn viên hài Công Lý!

Những lần bìa sách khiến người đọc 'khóc thét' vì khác 'một trời một vực' so với nội dung Ảnh 2
Bìa sách "Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014" gây chú ý với hình ảnh của nghệ sĩ hài Công Lý

Chia sẻ với báo chí ngay sau khi sự việc xảy ra vào thời điểm đó, nghệ sĩ Công Lý nói: “Tôi quá ngạc nhiên và không hiểu tại sao lại có hình ảnh của tôi được sử dụng như thế này. Tôi không được xin phép, không được hỏi và hoàn toàn không biết gì về việc hình ảnh của mình bị sử dụng một cách bừa bãi như vậy. Ở đây, hình ảnh của tôi được sử dụng trong một trạng thái không bình thường. Theo tôi hiểu, họ muốn nói đến công lý ở Việt Nam đây. Nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên không hiểu tại sao người ta lại dám làm việc này. Tôi sẽ tìm hiểu xem thực chất việc này là gì”.

Sau khi được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyển sách này sau đó đã bị thu hồi, NXB Lao động - Xã hội bị phạt 124 triệu đồng do xúc phạm uy tín của cơ quan ban hành Bộ luật Dân sự và cơ quan ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự và người đã mua sách; xuất bản sách trên không đúng với xác nhận đăng kí xuất bản của Cục; ghi không đúng, không đủ thông tin phải ghi trên sách…

Sách Toán nhưng lại in hình nghệ sĩ cải lương

Những ngày gần đây, phụ huynh cũng như cộng đồng mạng đã không khỏi bất ngờ cũng như sự bức xúc xen lẫn khi nhìn thấy bìa của một quyển sách Toán nhưng lại được in những hình ảnh minh họa chẳng đâu vào đâu. Một bộ phận giới nghệ sĩ của Việt Nam sau đó cũng cảm thấy khó hiểu trước hình ảnh này.

Bộ sách này của NXB Đại học Sư phạm TP.HCM. Cụ thể, dù nội dung là về môn Toán nhưng ảnh bìa của những quyển sách này lại “gây lú” cho nhiều độc giả. Trên bìa quyển Toán 7 và các bài toán thực tế tập 1, Các đề kiểm tra toán thực tế lớp 8 tập 1, Toán và bài toán thực tế 9 là hình ảnh của các di tích hoặc tượng đài những nhân vật lịch sử. Đáng chú ý, quyển Toán và các bài toán thực tế lớp 6 tập 2 lại được minh họa bằng hình ảnh của NSND Bạch Tuyết trong vai diễn nổi tiếng Thái hậu Dương Vân Nga.

Những lần bìa sách khiến người đọc 'khóc thét' vì khác 'một trời một vực' so với nội dung Ảnh 3
Bộ sách Toán gây xôn xao mạng xã hội ít ngày gần đây khi ảnh bìa minh họa được cho là không phù hợp với nội dung môn học

Những cuốn sách này được ông Lê Thanh Hà, giám đốc NXB Đại học Sư phạm TP.HCM xác nhận với báo chí rằng là sách của đơn vị mình. Chính ông cũng là người duyệt bìa trước khi in và phát hành sách.

 Đồng thời, ông Lê Thanh Hà cũng khẳng định, những hình ảnh sử dụng như trên bìa là một trong các ví dụ được đề cập trong nội dung của sách. Những hình ảnh này giúp cho bìa sách thêm phong phú, đa dạng, sinh động thay cho những hình ảnh truyền thống là công thức toán trước đây.

Chẳng hạn, ở cuốn toán và bài toán thực tế lớp 6 đã phản ánh trong bài sách toán có hình bìa là nghệ sĩ Bạch Tuyết trong vai Thái hậu Dương Vân Nga thì trong đề số 2, câu 5 có trích dẫn tiểu sử nhân vật lịch sử là Thái hậu Dương Vân Nga và có dẫn dắt như sau: “Theo các nhà tâm lý học hành vi, động tác dang 2 tay hướng về phía trên và góc hợp bởi cánh tay và cẳng tay là góc tù sẽ thể hiện được lòng quyết tâm của con người trước một biến cố. Hãy sử dụng thước đo góc để đo 2 góc được tô màu vàng trên và xác định nghệ sĩ Bạch Tuyết trong vở Thái hậu Dương Vân Nga có thể hiện được sự kiên cường, lòng quyết tâm cao độ trước hiểm họa xâm lăng đất nước của nhà Tống hay không?”.

 Ông Hà cũng cho rằng, đây là sách sử dụng chất liệu có tính thực tế, học sinh dùng kiến thức toán để tìm ra đáp án toán học. Hình ảnh trên bìa giúp bìa sách sinh động, thay cho những hình công thức toán trước đây.

Chia sẻ

Bài viết

Nhật Minh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất