Học đường

Nét chữ làm nên nết người, liệu còn đúng?

Phương Linh
Chia sẻ

Ở xã hội hiện đại ngày nay, nếu chỉ dùng nét chữ để đánh giá một con người trong nhiều trường hợp liệu có còn chính xác?

Lâu nay, người Việt vẫn hay truyền miệng câu "nét chữ, nết người" như lời nhắc nhở nét chữ sẽ nói lên tính cách, ý thức của mỗi người. Thậm chí, câu nói này đã ăn sâu trong tiềm thức nhiều người, nhiều thế hệ. Vì lẽ này, người lớn luôn muốn rèn con em mình phải "vở sạch chữ đẹp", phải theo khuôn mẫu như cha ông đi trước. 

Không thể phủ nhận rằng, để "vở sạch chữ đẹp" thì người viết phải thực sự cẩn trọng, nắn nót và kiên trì, điều này phần nào nói lên tính cách của người viết. Tuy nhiên, ở xã hội hiện đại ngày nay, nếu chỉ dùng nét chữ để đánh giá một con người trong nhiều trường hợp liệu có chính xác?

Nét chữ làm nên nết người, liệu còn đúng? Ảnh 1
Nhiều quan niệm cho rằng, chữ viết sẽ nói lên tính cách của một con người. Ảnh minh họa

Câu chuyện về lối giáo dục trẻ ở châu Âu chỉ qua chữ viết dưới đây sẽ khiến nhiều người trong chúng ta thay đổi cách nhìn. Nền giáo dục này không tồn tại một khuôn mẫu chữ viết nào, các giáo viên hoàn toàn tôn trọng kiểu chữ của các em.

 "Mỗi một đứa trẻ là một con người khác biệt. Chúng tôi tôn trọng sự khác biệt ấy, và chúng tôi dậy bọn trẻ cũng làm điều tương tự với những người khác", một giáo viên kết luận. 

Nét chữ làm nên nết người, liệu còn đúng? Ảnh 2
Nhà báo Trương Anh Ngọc

Câu chuyện được chia sẻ lại từ nhà báo Trương Anh Ngọc như sau:

"Bạn ở Châu Âu kể rằng, một hôm kiểm tra vở của con, thấy chữ con xấu quá, tức khí, cô dắt con đến gặp cô giáo và hỏi rằng, tại sao chữ con xấu thế mà cô giáo và trường học chẳng có ý kiến gì.

Cô giáo kiên nhẫn nghe bà mẹ Việt phàn nàn xong thì mỉm cười, không nói gì, mở cặp tài liệu của mình ra và cho cô xem bài viết của khoảng chục học sinh khác trong lớp. Bà mẹ thấy chữ đứa nào cũng không đẹp, thậm chí có đứa còn vẽ cả ra trang giấy nữa. Thế rồi cô giáo nói rằng, chữ viết của mỗi người là cá tính, là cái riêng, là bản sắc của người đó. 

Trong môi trường giáo dục này, điều mà cô cũng như các giáo viên khác làm là giúp trẻ duy trì những cái riêng ấy, chứ không ép các con vào một khuôn, một chuẩn theo kiểu chữ phải đẹp hay sách vở phải sạch sẽ thơm tho đúng theo một quy định nào đó (vốn không tồn tại ở đây). "Mỗi một đứa trẻ là một con người khác biệt. Chúng tôi tôn trọng sự khác biệt ấy, và chúng tôi dậy bọn trẻ cũng làm điều tương tự với những người khác", cô kết luận.

Nét chữ làm nên nết người, liệu còn đúng? Ảnh 3
Không có một quy định nào bắt trẻ em châu Âu phải viết chữ đẹp, trình bày vở sạch... Ảnh minh họa

Có một sự xung đột văn hoá ở câu chuyện này. Bà mẹ Việt lớn lên trong cái gọi là chuẩn về quan niệm thẩm mỹ theo kiểu "vở sạch chữ đẹp", "nét chữ nết người", ai viết xấu sẽ bị điểm xấu, ai viết tay trái thì bị cô đánh thước kẻ đau điếng. Người ta muốn gò học sinh vào một khuôn mẫu, coi đó là cái chuẩn phải theo và không quan tâm đến cá tính cũng như đếm xỉa đến thái độ, tâm trạng của trẻ. Những đứa trẻ ở thế hệ của bà mẹ đã lớn lên như thế, và sau này, khi thành những ông bố bà mẹ cũng muốn con như thế, và rồi khi họ ra nước ngoài, vẫn không thay đổi, cho đến khi họ gặp gỡ trực tiếp với người làm giáo dục và lắng nghe họ nói về sự tôn trọng những khác biệt mang tính cá nhân.

Bạn bảo, hoá ra ở đây họ nhìn nhận vấn đề thật khác, theo hướng không hình thức mà thực chất. Mà nếu xét theo chuẩn của Việt Nam mình, chữ của người nước ngoài thật là xấu, chẳng hề lãng mạn bay bướm hay thẳng hàng thẳng lối như các cuốn tập viết hồi lớp 1,2 ở nhà. Nhưng cá tính riêng được tôn trọng, quan điểm riêng được lắng nghe, và trẻ được khuyến khích tự lập và phát triển theo năng lực cá nhân từ khi còn nhỏ chứ không ép buộc. "Họ quan trọng việc anh là ai, anh làm được gì, khả năng của anh ra sao, chứ không phải anh trông thế nào, anh viết lách ra sao", bạn kết luận.

Nét chữ làm nên nết người, liệu còn đúng? Ảnh 4
Bản tốc kí của nhà báo Trương Anh Ngọc cũng nhận về nhiều nhận xét trái chiều, trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, chữ của anh...rất xấu. 

Hôm qua mình post cái ảnh tài liệu viết tay tốc kí của mình cũng là để test phản ứng của mọi người, dù mình đã thòng một câu, "đây là mình viết cho riêng mình đọc", nhưng chẳng thấy ai để ý. 100% bảo chữ ấy xấu, thậm chí còn trêu là tại sao không làm bác sĩ. Đấy là một định kiến rất không hay ho về nghề nghiệp và giá trị của những con người thông qua hình thức. Đừng bao giờ đánh giá người khác theo một chuẩn, một định kiến bị đóng khung liên quan đến hình thức. Hình thức có thể đánh lừa bạn và khiến bạn duy trì những định kiến ấy nếu bạn không cởi mở.

Hãy nhìn rộng ra về những giá trị thực sự của họ, bên ngoài cái vỏ hình thức kia. Mình là mình, vì chỉ có mình viết như vậy. Bạn là bạn, vì chỉ có bạn viết như vậy. Chúng ta khác nhau và có giá trị theo cách của riêng mình, thể hiện ở công việc mà chúng ta làm và những gì ta đóng góp cho xã hội, chứ không phải là vì ta mặc gì và viết như thế nào, phải vậy không?".

Đúng như lời nhà báo Trương Anh Ngọc, chữ viết thực chất không nói lên được bản chất và tính cách của mỗi người. Nếu chúng ta không cởi mở, không nhìn nhận khách quan mà chỉ khăng khăng đánh giá người khác qua chuẩn mực hình thức, chúng ta có thể sẽ bị đánh lừa.

Chính vì vậy, để thấu đáo hơn về một người nào đó, hãy mở rộng tư duy và tầm mắt, nhìn nhận giá trị thực sự của họ.

"Đừng bao giờ đánh giá người khác theo một chuẩn, một định kiến bị đóng khung liên quan đến hình thức. Hình thức có thể đánh lừa bạn và khiến bạn duy trì những định kiến ấy nếu bạn không cởi mở", nhà báo Trương Anh Ngọc khẳng định. 

Chia sẻ

Bài viết

Phương Linh

Tin mới nhất