Học đường

Quay clip con làm bài tập ở nhà gửi vào nhóm chat phụ huynh, mẹ giận run người vì bị soi mói gia cảnh

Yến Nguyễn (Tổng hợp)
Chia sẻ

Mới đây, một câu chuyện xảy ra ở Trung Quốc mới đây đã khiến dư luận nước này xôn xao. Sự việc liên quan đến những màn cạnh tranh, khoe khoang vật chất ngấm ngầm của các bậc phụ huynh.

Theo đó, vợ chồng chị Quách từ quê lên thành phố làm việc nên thuê một căn nhà trọ không mấy rộng rãi để tiết kiệm chi phí. Do căn nhà có diện tích khá hẹp, lại thêm nhiều đồ đạc chất chồng nên tạo cảm giác bừa bộn. Tuy nhiên, vì muốn con được tiếp cận nền giáo dục tốt nên vợ chồng chị vẫn quyết định đón con lên ở cùng mình. 

Mới đây, cô giáo chủ nhiệm của con chị Quách yêu cầu các bậc phụ huynh quay lại cảnh con làm bài tập tại nhà và chia sẻ trong nhóm chat để tạo không khí chung, thúc đẩy tinh thần học. Yêu cầu tưởng chừng là bình thường này cuối cùng lại gây ra sự đả kích tinh thần cực kỳ lớn cho phía chị Quách. 

Quay clip con làm bài tập ở nhà gửi vào nhóm chat phụ huynh, mẹ giận run người vì bị soi mói gia cảnh Ảnh 1
Gửi clip con làm bài tập ở nhà, mẹ giận run người khi bị các phụ huynh khác soi mói gia cảnh. Ảnh minh họa

Chị Quách cho biết, lớp con chị có rất nhiều người khá giả. Vậy nên khi quay clip con học, họ sẽ chọn góc đẹp nhất nhà, quay toàn cảnh để nhìn thấy những đồ đạc đắt tiền xung quanh. Không chỉ vậy nhiều người còn cố bày thêm bình hoa, tranh ảnh, đồng hồ để gây ấn tượng với giáo viên.

Thay vì chú ý đến việc học của các con thông qua đoạn clip, lúc này, các phụ huynh bắt đầu trầm trồ trước khung cảnh các căn nhà, điển hình như: "Wow! Nhà cháu Đinh đẹp quá", "mẹ bạn Lượng có chiếc lọ hoa sang trọng thật, chắc đắt tiền lắm",... 

Những điều này khiến chị Quách không khỏi ngại ngùng khi gửi clip con học bài vào nhóm. Tuy nhiên điều chị không ngờ là các phụ huynh trong lớp sau khi xem clip lại nói xấu chị.

Một phụ huynh trong khi buôn chuyện với người khác đã gửi nhầm tin nhắn vào nhóm chat chung. Chị này viết: "Hoàn cảnh chị Quách đó có vẻ không được tốt lắm nhỉ. Thể nào mấy lần tôi đến trường đón con, thấy thằng bé Tiểu Minh trông cứ lôi thôi". 

Quá bức xúc, chị Quách đã nhắn tin đáp trả. Chị cho biết dù hoàn cảnh không được khá giả nhưng chị luôn cố gắng dạy dỗ con tốt nhất, hướng đến điều thiện chứ không phải vật chất bề ngoài.

Cô giáo chủ nhiệm sau đó phải lên tiếng giảng hòa. Hoạt động quay clip con học bài cũng chấm dứt từ đó.

Câu chuyện của chị Quách sau khi được đăng tải trên trang Sohu đã gây bão dư luận. Đây không phải là câu chuyện mới lạ, cũng không phải câu chuyện hiếm hoi nào đó, tuy nhiên, mỗi lần xuất hiện đều khiến dư luận quan tâm bàn luận. 

Cũng liên quan đến nhóm chat phụ huynh, trước đó, một ông bố Trung Quốc có con đang học lớp 1 đã quyết định rời khỏi nhóm chat này sau khi bị giáo viên chỉ đích danh bêu xấu chỉ vì ông bố không có thời gian ngồi giải bài tập cùng con. 

Quay clip con làm bài tập ở nhà gửi vào nhóm chat phụ huynh, mẹ giận run người vì bị soi mói gia cảnh Ảnh 2
Ông bố tức giận rời nhóm chat phụ huynh vì sự vô lý của giáo viên. 

Theo ông bố này, do quá bận bịu với công việc nên không có thời gian ngồi giải bài tập cùng đứa con năm nay vào lớp 1. Sau đó, anh liền bị cô giáo chủ nhiệm chỉ đích danh và nhắn tin chê bai công khai trong nhóm chat với tất cả phụ huynh trong lớp. Điều này khiến anh vô cùng bức xúc và cảm thấy giáo viên quá vô lý trong trường hợp này. 

Quả thực, có nhiều phụ huynh đi làm sau một ngày mệt mỏi, vẫn bị giáo viên yêu cầu hoàn thành và chỉ dạy bài tập cho con. Đôi khi vì bận chưa kịp xem tin nhắn nhóm, liền bị giáo viên chỉ đích danh, và vô tình khiến cha mẹ này mang hình ảnh người không quan tâm đến con cái.

Có thể thấy, nhóm chat phụ huynh lập ra với mục đích ban đầu là để trao đổi tình hình học tập của các con; đồng thời đưa ra những ý kiến đóng góp giúp lớp học vững mạnh, đoàn kết. Thế nhưng, dần dần nhiều phụ huynh và kể cả giáo viên lại có cái nhìn lệch lạc về "nhóm chat phụ huynh", xem đây là nơi để so sánh giàu - nghèo, "dằn mặt" chỉ vì tư thù cá nhân...

Qua những câu chuyện trên, hy vọng quý phụ huynh và các giáo viên sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm trong cách ứng xử thường ngày với nhau. Dù là lời nói qua tin nhắn, qua màn hình điện thoại nhưng lại có sức ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của người được nhận tin nhắn.

(Nguồn: Sohu, Sina)
 

Chia sẻ

Bài viết

Yến Nguyễn (Tổng hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất