Theo đó, nhiều học viên đã học được 4, 5 năm, thậm chí tốt nghiệp nhưng đứng trước nguy cơ không có bằng cấp. Trình độ văn hóa của các em vẫn ở mức 6/12.
Theo Zing.vn, N.V. là học sinh ngành Nghệ thuật biểu diễn Kịch múa tại HV Múa Việt Nam. Được biết, nữ sinh bắt đầu nhập học tại trường từ năm 13 tuổi. Đến tháng 1/2020, em là một trong những trường hợp hiếm hoi tốt nghiệp và được nhà trường cấp bằng.
Nhưng đến khi đăng ký nhập học tại một trường đại học khác, V. mới biết tấm bằng của mình không có giá trị pháp lý. Thậm chí, giấy tốt nghiệp THCS cũng không có giá trị. Vì thế, em không thể theo học ở ngôi trường mình mong ước.
Bằng tốt nghiệp không có giá trị, V. không thể đi học, cũng không thể đi làm toàn thời gian. Hiện, em dạy múa bán thời gian tại một số trung tâm ở Hà Nội để kiếm thêm thu nhập.
V. cho hay, em và các bạn cùng khóa nhiều lần liên hệ với giáo viên để nhờ giúp đỡ, nhưng giáo viên cũng không thể can thiệp, giải quyết vấn đề này.
Không chỉ riêng N.V, 23 học sinh khác cùng khóa với V. cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nhiều em mong muốn được xét biên chế vào các vũ đoàn múa, nhưng trục trặc về bằng cấp khiến các em gặp khó khăn trong việc xét tuyển.
Giữa năm 2019, học sinh, sinh viên và phụ huynh nhận được thông báo trường sẽ không cấp bằng tốt nghiệp THCS và THPT. Lý do là trường chưa có sự kết nối với Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy và Sở GD&ĐT Hà Nội, học sinh không có mã định danh, học bạ điện tử.
Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ thành tích học tập của 325 học sinh từng học văn hoá bậc THCS và THPT tại HV Múa Việt Nam là vô giá trị.
Theo báo Dân Trí, tại buổi gặp gỡ nêu trên, đại diện hội phụ huynh tỏ ra bức xúc và bế tắc trong việc đòi quyền lợi chính đáng cho con em.
Ông Hoàng Mạnh Cường - phụ huynh của H.N.V. cho biết, nhiều phụ huynh Học viện múa đã gặp gỡ, trao đổi thông tin với BGĐ Học viện Múa về vấn đề này nhưng chưa từng nhận được câu trả lời thỏa đáng. Câu trả lời duy nhất mà họ nhận được từ nhà trường là: Phụ huynh yên tâm chờ đợi.
"Nhưng chờ đến bao giờ? Các con ra trường không có bằng nên không có việc làm, không học lên cao hơn được. Như vậy thì rất khó khăn cho con em chúng tôi", ông Cường nói.
Theo ông Cường tìm hiểu từ trước tới nay, trường Múa vẫn đào tạo cả chuyên ngành và văn hóa phổ thông cho học viên. Gia đình ông Cường yên tâm cho con theo học và tin tưởng rằng sẽ được cấp bằng vì nhà trường đã yêu cầu học sinh theo học tại trường phải rút học bạ từ trường học cũ, nộp cho nhà trường.
Ông Cường còn cho biết một thông tin khiến ông rất sốc: "Tôi đến trường 5-6 lần mới được trả lời rằng các con không có bằng tốt nghiệp THCS, THPT do trường không có mã định danh do Sở GD&ĐT cấp".
Bà Lưu Thị Thu Lan, giảng viên ĐH Sân khấu điện ảnh, cũng là phụ huynh của học viên mắc kẹt vấn đề bằng tốt nghiệp THPT tại Học viện Múa cho hay: "Tôi là người trong ngành nhưng tôi rất chủ quan, tin tưởng vào nhà trường, dẫn tới tôi không nắm được vấn đề. Con tôi cứ học nhưng không có bằng".
Hội phụ huynh học sinh đưa ra nhiều bằng chứng khẳng định các con đi học đầy đủ, tổng kết cuối năm và thi đầy đủ. Vấn đề duy nhất là không được cấp bằng tốt nghiệp.
Liên quan đến vụ việc, phía Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cơ quan chủ quản Học viện Múa Việt Nam, cho biết đang tìm phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi cho học viên.