Học đường

Hậu gian lận thi cử, số phận sĩ tử không có thực lực sẽ ra sao khi trúng tuyển ĐH siết chặt đầu ra, đuổi sinh viên như cơm bữa?

Long Anh (Tổng hợp)
Chia sẻ

Nhiều ngôi trường Đại học nổi tiếng với nội quy khắt khe, sẵn sàng đuổi thẳng tay các sinh viên lười biếng. Nếu bạn là sinh viên không có thực lực thì dù đã hoàn thiện giấc mơ bước chân vào cánh cổng giảng đường Đại học thì cũng chẳng thể ra nổi trường.

Trước những bê bối thi cử tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… Vụ phó Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), ông Trần Anh Tuấn, khẳng định trên VTV24, các thí sinh dù đã nhập học vẫn bị đuổi nếu phát hiện gian lận thi cử.

Điều này có nghĩa không chỉ những sinh viên lười biếng, nợ nhiều môn, nợ nhiều tín bị thẳng tay đuổi học mà các thi sinh bị phát hiện gian lận thi cử trong các kì thi THPT quốc gia cũng không bị ngoại lệ.

Tuy nhiên, trong trường hợp dù có gian lận trót lọt, các thí sinh không có thực lực cũng nên cảnh giác khi nhiều trường Đại học ở nước ta nổi tiếng với quy định khắt khe, đuổi sinh viên như… cơm bữa. Sinh viên hãy thật tỉnh táo để rèn luyện kiến thức nhé!

Đại học Nông Lâm TP.HCM buộc thôi học gần 1.000 sinh viên/ năm

Năm 2016, ĐH Nông lâm TP HCM vừa ra quyết định buộc dừng học 946 sinh viên các hệ đào tạo từ học kỳ III năm học 2015-2016, do vi phạm quy chế học vụ, cảnh báo học vụ lần 3.

Tiếp đến, hồi tháng 3 năm nay, nhà trường cũng công bố danh sách có trên 1.000 sinh viên chưa đủ điều kiện tốt nghiệp.

Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. ĐHNL

Trong số này có 871 sinh viên không đủ điều kiện tốt nghiệp đúng tiến độ theo chương trình đào tạo 4 năm. Tuy nhiên quy chế đào tạo cho phép sinh viên có thời gian học tập tối đa 8 năm (riêng thú y 10 năm) nên các sinh viên này vẫn còn thời gian để hoàn thành các chuẩn đầu ra.

Đặc biệt trong danh sách này là 316 sinh viên đang theo học năm thứ 8. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, nếu hết tháng 9 năm nay, các sinh viên này không đạt đủ chuẩn đầu ra theo quy định sẽ chính thức bị buộc thôi học.

ĐH FPT: Thi qua môn sinh viên kéo băng rôn, đốt pháo giấy ăn mừng

Học đại học không hề dễ dàng như nhiều người nghĩ, có thể bạn sẽ không chịu sự quản thúc kĩ càng của thầy cô, phụ huynh như những năm cấp 3, nhưng nếu không tự giác trong việc học, bạn vẫn có thể bị đuổi như thường. Thế nên, có đôi khi chỉ cần thi qua môn, không bị nợ môn hoặc thi lại, sinh viên đã mừng rơi nước mắt.

Đó cũng là câu chuyện của một nhóm sinh viên mới đây khi các bạn sinh viên cực lầy đã căng băng rôn, chế pháo giấy để ăn mừng thắng lợi khi thi qua môn.

Bức ảnh ghi lại cảnh ăn mừng chiến thắng thi qua môn. Nguồn: Không sợ chó.

Theo như những gì dân mạng tiết lộ, rất có thể đây là một cảnh tượng quen thuộc tại ĐH FPT. Dù chưa rõ thực hư ra sao nhưng bức ảnh này vẫn nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn trẻ. Đa số ý kiến đều tỏ ra đồng cảm khi việc học ĐH giờ đây cũng căng thẳng chẳng kém gì những ngày dùi mài kinh sử để bước vào kỳ thi vượt vũ môn - THPT quốc gia.

Đại học Bách khoa Hà Nội, TP.HCM đuổi sinh viên như cơm bữa

Sinh viên muốn đậu vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội, TP.HCM phải vượt qua bao khổ ải với mức điểm khá cao. Nhưng khác với nhiều trường đại học khác, ĐH Bách khoa rất cứng rắn trong việc đánh giá ý thức học hành của sinh viên.

Theo thống kê, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm học 2016-2017, đã buộc thôi học hơn 500 sinh viên, cảnh báo học vụ khoảng 600 người.

Trong khi đó, thống kê cũng cho thấy, trung bình mỗi năm, ĐH Bách khoa Hà Nội buộc thôi học 800 sinh viên. “Lý do chủ yếu là do các em mải chơi chứ không phải do chương trình học quá khó. Các sinh viên chơi điện tử và đủ thứ trò, không tập trung vào việc học hành, chứ nếu cố gắng thì tôi nghĩ không em nào không qua được cả”, ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết.

ĐH Y dược Hải Phòng: Không phải cứ đỗ vào được là sẽ ra được trường

Trong năm 2017, ĐH Y dược Hải Phòng đã đình chỉ và đuổi học 157 sinh viên với tuyên bố: “Sinh viên phải tỉnh táo, không phải cứ vào trường được là ra trường được” từ TS. Nguyễn Hải Ninh, Phó Phòng Đào tạo trường.

Sinh viên thuộc đối tượng đình chỉ hay buộc thôi học đều đã có hai lần thi: lần thi chính thức và thi lại. Ở lần thi lại nếu sinh viên không qua được môn học sẽ phải học lại, điểm tổng kết cả năm học dưới 5.0 nhà trường sẽ đình chỉ học 1 năm. Căn cứ trên kết quả học tập của sinh viên trong nhiều kỳ, nếu quá kém sẽ buộc phải thôi học.

“Đây là điều rất đáng tiếc nhưng chúng tôi buộc phải làm. Bởi chỉ có dừng học 1 năm thì sinh viên mới có cơ hội và lộ trình để trả nợ môn học, có đủ kiến thức để đảm bảo chất lượng học tập cho các kỳ học sau. Nếu như nhà trường tiếp tục để cho các em học mà không quan tâm đến chất lượng thực của các em thì có thể chỉ ngay năm sau các sinh viên này sẽ rơi vào vùng đối tượng buộc phải thôi học”, ông Ninh chia sẻ với báo chí.

ĐH Sư phạm, Giao thông Vận tải, Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM không ngại đuổi sinh viên

Tháng 4/2016, ĐH Sư phạm TP.HCM công bố danh sách 617 sinh viên các khóa (từ K37 đến K40) thuộc diện bị buộc thôi học và 666 sinh viên các khóa (từ K37 đến K41) bị cảnh báo học vụ.

Số liệu thống kê trong học kỳ I năm học 2016-2017 của ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng khiến nhiều người bất ngờ: 1.888 sinh viên bị cảnh cáo học vụ, trong đó rất nhiều em bị cảnh cáo đến lần 2. Nhà trường phải ký quyết định buộc thôi học đối với hơn 180 trường hợp chỉ trong một học kỳ.

Tương tự, số lượng bị xử lý học vụ của ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng khoảng 300 sinh viên/năm, tập trung sinh viên năm nhất.

Chỉ có khoảng 35-40% sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân tốt nghiệp đúng đợt

Theo số liệu thống kê được công bố mới đây của ĐH Kinh tế Quốc dân về số lượng sinh viên nhập học/tốt nghiệp đúng đợt khoá 54 (2012-2016) là 4.418/3.747 đạt 84,81%, khóa 55 (2013-2017) là 4.301/3.065 chỉ đạt 71,26%.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay, con số 1.300 sinh viên không tốt nghiệp đúng kỳ hạn được chia là 2 nhóm: tốt nghiệp sớm và tốt nghiệp muộn. Tức là có nhiều sinh viên có thể tốt nghiệp sớm hơn thời gian thiết kế đào tạo 4 năm. Do đó, chính xác hơn sẽ phải gọi là sinh viên tốt nghiệp đúng đợt. Đợt tốt nghiệp năm 2017 chỉ có 3.065 sinh viên, nhưng có nhiều sinh viên tốt nghiệp trước đợt xét này.

Ngoài ra, con số này còn bao gồm cả những sinh viên bị buộc thôi học do không đảm bảo kết quả học tập theo yêu cầu của trường.

ĐH Luật TP. HCM đình chỉ, buộc thôi học hàng trăm sinh viên

Mỗi năm, ĐH Luật TP. HCM cũng đình chỉ và buộc thôi học với hàng trăm sinh viên. Riêng năm 2017, đã có gần 200 sinh viên bị buộc thôi học, đình chỉ một năm hoặc cảnh cáo học vụ do đạt kết quả kém trong học tập.

Đại diện phòng Đào tạo (ĐH Luật TP. HCM) cho biết lí do: “Có nhiều em đã đậu chính quy ở một ngành nào đó, nhưng cảm thấy không phù hợp nên bỏ ngang việc học để ôn thi ngành khác. Nhiều em do học yếu, điểm rất kém”.

Phía trường ĐH Luật TP. HCM cho rằng tỷ lệ sinh viên bị thôi học như vậy là không nhiều, để đảm bảo lứa sinh viên đầu ra đủ năng lực phục vụ cho xã hội, thì nhà trường cần cứng rắn trong việc sàng lọc sinh viên từ những năm đầu.

Không chỉ vậy, theo quy định, tất cả các trường đại học trên cả nước đều có thể đuổi sinh viên nếu phát hiện gian lận thi cử trước đó.

Chia sẻ

Bài viết

Long Anh (Tổng hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất