Học đường

Cho rằng học trò để kiểu tóc 'đầu gấu', cô giáo tự ý cầm kéo cắt đi khiến phụ huynh bức xúc

Phương Linh (Tổng hợp)
Chia sẻ

Phụ huynh học sinh này bức xúc cho rằng, trước khi cắt tóc của học sinh, giáo viên nên có trao đổi, nghe giải thích hoặc đưa ra một kiểu tóc theo quy định nào đó để học sinh và phụ huynh thực hiện theo, chứ không nên hành xử như vậy.

Trao đổi với Zing.vn, anh Trần Văn Bắc, phụ huynh của học sinh bị cô giáo cắt tóc cho biết, sự việc xảy ra vào ngày 22/3. 

Theo đó, con trai anh là cháu Trần Xuân Bách, học sinh lớp 8, bị cô giáo chủ nhiệm là Trần Thị Hường, trường THCS Quang Trung, TP Nam Định (Nam Định), lấy kéo cắt tóc ngay trên lớp học vì cho rằng kiểu tóc của em như “đầu gấu”.

“Cô không nghe lời giải thích của cháu mà tự ý cầm kéo cắt tóc. Khi về nhà, cháu khóc kể lại cho gia đình. Tôi đã gặp gỡ hiệu trưởng để hỏi chuyện. Thế nhưng đến nay gia đình chưa nhận được lời giải thích nào”, anh Bắc cho biết.

Cho rằng học trò để kiểu tóc 'đầu gấu', cô giáo tự ý cầm kéo cắt đi khiến phụ huynh bức xúc Ảnh 1
Ảnh minh họa

Anh Bắc cho biết thêm, từ trước tới nay anh chỉ đưa con đi cắt tóc tại cửa hàng của một người thợ quen ở cổng trường tiểu học tại địa phương. Từ khi học lớp 1 cho đến lớp 8, cháu chỉ được cắt một kiểu tóc giống nhau, và chưa từng thấy ai nói gì.

Nam phụ huynh này cho rằng, trước khi “xẻo tóc” của học sinh, giáo viên nên có trao đổi, nghe giải thích hoặc đưa ra một kiểu tóc theo quy định nào đó để học sinh và phụ huynh thực hiện theo, chứ không nên hành xử như vậy.

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Thế Lâm, Trưởng phòng GD-ĐT TP Nam Định xác nhận đã nắm được thông tin sự việc.

Ông Lâm cho hay, qua nắm bắt sự việc, nam sinh này cắt tóc ngắn nhưng lại để một vài sợi tóc dài lai màu thả lõng thõng xuống mặt. Cô H. cũng đã nhắc nhở rất nhiều lần và yêu cầu em B. phải tự cắt đi.

“Sau nhiều lần nhắc nhở, em B không thực hiện nên cô H. đã lấy kéo cắt phần tóc dài đó đi, chứ không phải cắt cho nham nhở, làm mất thẩm mỹ hay có ý xúc phạm. Song, với học sinh cấp THCS, ở độ tuổi mới lớn này, các em đã có sự quan tâm hình ảnh bản thân trong mắt bạn bè”, ông Lâm nói.

Phòng GD-ĐT TP Nam Định đã yêu cầu đại diện nhà trường và cô giáo chủ nhiệm gặp gỡ, làm việc với cháu B. và gia đình để giải thích, làm công tác tư tưởng, mong sự cảm thông và chia sẻ; ổn định về mặt tâm lý.

Ông Lâm về phần cô H., cũng chưa thực sự tâm lý. Chúng tôi cũng đã yêu cầu nhà trường góp ý với cô giáo về cách hành xử.  

“Có thể cô có ý tốt nhưng chúng tôi vẫn yêu cầu nhà trường và cô giáo xem xét, kiểm điểm về cách hành xử của mình. Đối với học sinh, cần xử trí làm sao cho hợp lý, nhân văn, để các em tâm phục, khẩu phục”, ông Lâm nói.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Linh (Tổng hợp)

Tin mới nhất