Học đường

Chuyện bên lề kỳ thi gay cấn THPT quốc gia - Những bí mật không phải ai cũng biết

Ý Như (Tổng hợp)
Chia sẻ

Từ khi bắt đầu kỳ thi “ba chung” (năm 2002) cho đến kỳ thi THPT quốc gia vừa để tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH (từ năm 2015) đến nay, có những bí mật xung quanh việc xử lý tình huống phát sinh không phải ai cũng nắm rõ.

Nhầm đề thi CĐ với đề thi ĐH

Hơn 15 năm tổ chức thi, có rất nhiều sự cố xảy ra từ lỗi của giám thị, hội đồng thi… gây rắc rối không nhỏ đến kỳ thi chung.

Hầu hết mọi người chỉ biết sự việc xảy ra và quyết định xử lý cuối cùng mà ít ai biết những cuộc họp đầy căng thẳng tìm phương án giải quyết của Ban Chỉ đạo thi quốc gia.

Thí sinh tham gia đợt thi lại tại Trường CĐ Trang trí mỹ thuật Đồng Nai năm 2008. Ảnh: Thanh niên.

Trước kỳ thi tuyển sinh năm 2008, năm đầu tiên các trường CĐ cũng tham gia thi chung đề “ba chung” với ĐH trong đợt thi thứ 3. Lúc này, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long có chuyến kiểm tra tại Trung tâm in sao đề thi của ĐH Quốc gia TP.HCM. Đây là trung tâm in sao đề cho hàng chục trường ĐH. Nguyên Thứ trưởng Bành Tiến Long dặn dò phải thật cẩn thận để không nhầm lẫn đề thi.

Đến đợt thi CĐ, đề thi môn văn của 16 phòng thi tại Trường CĐ Trang trí mỹ thuật Đồng Nai bị nhầm với đề môn văn ở đợt thi ĐH trước đó vài ngày.

Một cuộc trao đổi ngay lập tức diễn ra giữa thành viên Ban Chỉ đạo thi tại TP.HCM và Trưởng ban Chỉ đạo thi ở Bộ GD-ĐT để tìm phương án giải quyết. Các thành viên Ban Chỉ đạo thi tại TP.HCM ngay lập tức phải chạy xuống tận trường, xin ý kiến Trưởng ban Chỉ đạo thi quốc gia, quyết định nhanh chóng sử dụng đề dự trữ cho các thí sinh này thi lại một buổi khác.

Khoảng 10 giờ sáng, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM (nơi in sao đề cho hội đồng thi trường này) nhận được cuộc gọi từ Bộ GD-ĐT, đề nghị kiểm tra lại khâu in sao đề vì hình như đề có sai sót. Lúc này, Trung tâm in sao đề thi vẫn được cách ly hoàn toàn vì chưa hết thời gian tổ chức thi.

Một cuộc họp ngay lúc đo đã chỉ ra nguyên nhân do lỗi dồn túi nhầm đề thi. Nhân viên dồn túi xếp đề thi ĐH môn văn đã thi trước đó vào túi đề thi CĐ.

May mắn do môn văn thi trong ngày đầu tiên nên thí sinh (TS) được thi lại ngay trong ngày thi hôm sau.

Thí sinh đòi thi lại

Năm 2015, năm đầu tiên gộp chung 2 kỳ thi thành kì thi THPT quốc gia, phụ huynh và thí sinh từng đòi Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia cho thi lại.

Cụ thể, tại 1 phòng thi môn toán có 29 thi sinh tại Đà Lạt, cả giám thị 1 và 2 thay vì ký vào ô “cán bộ coi thi” thì ký nhầm vào ô “cán bộ chấm thi”. Sau hơn 1/2 thời gian làm bài, khi phát hiện lỗi này, giám thị không báo lại chủ tịch hội đồng thi mà tự ý phát lại giấy thi khác và yêu cầu thí sinh chép lại phần đã làm. Điều này gây mất thời gian làm bài và ảnh hưởng đến kết quả thi.

Sự việc buộc Ban Chỉ đạo thi phải đưa ra quyết định nhanh chóng sau những phản đối mạnh mẽ của phụ huynh, thí sinh. Trưởng ban Chỉ đạo thi phải gọi điện cho Trường ĐH Đà Lạt, đề nghị tổ chức thi lại cho 29 thí sinh, thông báo từng thí sinh kèm theo việc gặp gỡ, động viên thí sinh và gia đình.

Trước đó, vào năm 2011, sự cố tương tự cũng xảy ra tại một hội đồng thi của Học viện Hậu cần (Nha Trang).

Những câu chuyện xung quanh tin đồn lộ đề thi

Những tin đồn lộ đề thi THPT quốc gia hầu như năm nào cũng xảy ra. Đặc biệt, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008, một “cơn bão” đã quét qua tổng hành dinh của Ban Chỉ đạo thi quốc gia với nghi vấn lộ đề thi môn toán trên mạng.

Kết thýc kỳ thi, có nhiều phản ánh gửi về Bộ GD-ĐT cho rằng đề thi môn toán ngày 4/7 năm đó có 3 câu hỏi giống hệt với nội dung 3 đề thi đã từng xuất hiện trên một diễn đàn trước kỳ thi. Cùng với đó, các giáo viên toán lớp 12 của các tỉnh, thành phía bắc trong một lớp tập huấn tại Đồ Sơn (Hải Phòng) khẳng định học sinh đã nhận được thông tin “lộ” đề thi từ ngày 4/7 và có những chiếc USB ghi lại.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga kiểm tra tình hình thi tại cụm thi 40 tại Đà Nẵng kì thi THPT Quốc gia năm 2016. Ảnh: Nhân dân.

Những cuộc họp căng thẳng liên tục diễn, rồi rà soát tất cả các khâu ra đề, in sao, vận chuyển… Ngoài công an, Trung tâm an ninh mạng BKIS cũng được mời vào cuộc.

Tối 7/6, Bộ GD-ĐT gửi thông tin sang Trung tâm an ninh mạng BKIS nhờ xác minh. Qua điều tra xác định, người có tên là N.P.K ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đã đưa những thông tin lộ đề thi lên website www.toanthpt.net.

Trước ngày 4/7, N.P.K đã đưa một số bài toán lên mạng với nội dung là đoán về đề thi nhưng chưa có nội dung trong đề thi chính thức. Sau 12h trưa ngày 4/7, K mới đưa lên thêm 3 câu có trong đề thi vào những bài viết cũ trên mạng khiến mọi người tin rằng lộ đề thi.

Cuối cùng K đã thừa nhận và có thư gửi báo chí để nói rõ vụ việc. Tuy nhiên, với Ban Chỉ đạo thi quốc gia, đây là pha “thót tim” thật sự.

Chuyến xe đột xuất lúc giữa đêm

Chuyện được kể như sau, trong đợt thi THPT quốc gia năm 2017 Ban chỉ đạo thi quốc gia đề nghị tham gia cùng đoàn kiểm tra đột xuất đi các tỉnh. Điều đặc biệt là xuất phát từ TP.HCM, khoảng 10h đêm đoàn mới đến H.Hàm Tân (Bình Thuận). Cùng lúc đó, những đoàn kiểm tra khác cũng xuất phát từ Bộ GD-ĐT đi về các tỉnh.

Khuya đó, trước khi tìm chỗ nghỉ, đoàn đến một địa điểm thi tại H.Hàm Tân để kiểm tra công tác chuẩn bị thi.

Sau khi kiểm tra xong đã là 12h đêm, đoàn mới tìm được một nhà nghỉ tạm gần đó. Cả đoàn ăn vội gói mì tôm, tranh thủ nghỉ ngơi rồi tờ mờ sáng hôm sau thức dậy chuẩn bị cho ngày thi chính thức

Đoàn kiểm tra đột xuất ngay trong đêm này xuất phát từ việc Ban chỉ đạo thi quốc gia phát hiện sai 7 mã đề. Đề sai không thể thu hồi được, cũng không kịp in lại nên ngày 22/6, Ban chỉ đạo thi quốc gia lập tức gửi đề đính chính cho các tỉnh, phát kèm cho thí sinh 7 mã đề này ngày hôm sau.

Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Ga vẫn không yên tâm và quyết định lập đoàn kiểm tra đi khắp cả nước để dặn dò các trưởng điểm thi thông báo thí sinh kiểm tra kỹ đề, giám sát và xử lý ngay nếu xảy ra sự cố.

Chia sẻ

Bài viết

Ý Như (Tổng hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
tag-icon
Tin mới nhất