Đại diện Bộ GD&ĐT nói gì trước quy định thí sinh phải cao 1,5m trở lên mới được đăng ký ngành Sư phạm - ĐH Sư phạm TP.HCM?
Như chúng tôi đã đưa tin, thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm trước thông tin ĐH Sư phạm TP.HCM đưa chiều cao vào tiêu chí xét tuyển thí sinh ngành Sư phạm. Cụ thể, thí sinh nam phải cao từ 1m55, nữ từ 1m50 trở lên mới được đăng ký xét tuyển các ngành đào tạo giáo viên của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Riêng ngành giáo dục thể chất, nam phải cao từ 1m65 và nặng 50 kg trở lên, nữ phải đạt tối thiểu 1m55, nặng 45 kg trở lên.
Sau khi thông tin này được đăng tải trên nhiều trang báo, không ít người đã lên tiếng phản đối và cho rằng quy định này tạo nên sự phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng khẳng định, chất lượng giáo viên không phụ thuộc vào ngoại hình, trong đó bao gồm cả tiêu chí chiều cao.
Trước vấn đề này, mới đây bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đã chính thức trả lời báo chí. Theo đó, năm nay, Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH tự chủ việc tuyển sinh.
Tuy nhiên, vị Đại diện này cũng nhấn mạnh rằng, các quy định tuyển sinh của trường do trường xác định và chịu trách nhiệm giải trình. Tiêu chí tuyển sinh phải giúp đảm bảo chất lượng đầu vào và góp phần xây dựng “thương hiệu” của trường.
“Tuy nhiên phải đảm bảo quyền bình đẳng về cơ hội cho các thí sinh, không được thể hiện chính sách phân biệt đối xử và nên giải trình rõ để tạo sự đồng thuận trong xã hội” - trích theo báo Tiền Phong.
Chiều cao ảnh hưởng nhất định đến nghề giáo viên, tiêu chí nhà trường đưa ra là hợp lý, có cơ sở khoa học
Cũng liên quan đến vấn đề này, trong chiều nay 13/2, ông Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng đào tạo, ĐH Sư phạm TP.HCM đã có cuộc trả lời báo chí về tiêu chí cao 1,5m mới được dự tuyển ngành Sư phạm.
Theo ông, quy chế do nhà trường đưa ra là hợp lý và có cơ sở khoa học. Bên cạnh đó, tiêu chí chiều cao như một trong những điều kiện thuộc về sức khỏe đã có từ những năm 2008 và thậm chí còn được đăng tải trong “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng”, do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành.
Trả lời trên báo Tri thức trực tuyến, khi khẳng định tiêu chuẩn về chiều cao là hợp lý, ông Quốc cũng dẫn ra một số lý do cụ thể:
- Theo quyết định số 1613 của Bộ Y tế ban hành từ năm 1997, sức khỏe loại 3 - loại trung bình ứng với chiều cao nhất định của học sinh, sinh viên. Chiến lược từ năm 2011-2010, chiều cao người Việt tăng từ 1 cm đến 1,5 cm so với năm 2010… Vì vậy, vấn đề chiều cao cần được xem xét như tiêu chuẩn sức khỏe
- Lời khuyên được Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đưa ra khẳng định bảng treo ở lớp học cách nền phòng từ 0,65 đến 0,8 m (trường tiểu học) và 0,8 m đến 1 m (trường THCS). Vì vậy, chiều cao của thầy cô cũng ảnh hưởng trực tiếp tới việc dạy và học.
Nhà trường cũng khẳng định đây không phải là tiêu chuẩn tuyển sinh mới của ngành sư phạm mà chỉ là tiêu chí riêng nằm trong đề án tuyển sinh của trường. Ngoài ra, tiêu chí về chiều cao cũng chỉ là một trong các yếu tố để đánh giá sức khỏe.
Đại diện ĐH Sư phạm TP.HCM cho hay nhà trường vẫn sẽ có sự cân nhắc, điều chỉnh với những trường hợp đặc biệt, có sự xem xét cụ thể và những biện pháp đảm bảo tính nhân văn, tôn trọng.