Học đường

Bức phù điêu có hình thầy hiệu trưởng Đại học Mỹ Thuật Việt Nam gây tranh cãi: Sẽ sớm được gỡ bỏ

Sơn Ca (Tổng hợp)
Chia sẻ

Bức phù điêu có hình hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Việt Nam khiến không ít cán bộ, giảng viên nhà trường cho rằng, vị hiệu trưởng này đã tự đề cao bản thân.

Trước đó, vào tháng 9/2019, ở lối vào của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã xuất hiện bức phù điêu của cựu sinh viên khoa Điêu khắc Nguyễn Xuân Vinh. Tác phẩm miêu tả không gian lớp học với thầy giáo, người được cho là giống Hiệu trưởng Lê Văn Sửu đang giảng bài trước sinh viên.

Ngay sau khi bức phù điêu xuất hiện, tác phẩm này đã nhận được không ít những ý kiến trái chiều về nhân vật chính của tác phẩm trong bức phù điêu có dung mạo giống đến 99% thầy Hiệu trưởng đương nhiệm Lê Văn Sửu.

Theo đó, không ít cán bộ, giảng viên nhà trường đã cho rằng, ông Lê Văn Sửu đã tự đề cao bản thân khi cho sinh viên dựng tượng, làm phù điêu nhằm đề cao bản thân. Một việc làm chưa từng có tiền lệ của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Bức phù điêu nhiều tai tiếng đặt tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam

Trao đổi với VNE, một giảng viên khoa Sư phạm Mỹ thuật (không nêu tên) cho rằng hiệu trưởng Lê Văn Sửu đề cao bản thân. “Dựng tượng, làm phù điêu để tôn vinh cá nhân không phải vấn đề đơn giản. Tác phẩm phải đạt về nghệ thuật và nhân vật xứng đáng được đặt lên đó. Đó phải là người đóng góp lớn hoặc ảnh hưởng tới lịch sử, văn hóa…”, người này nói.

Cùng trao đổi với báo này, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo - chuyên gia đầu ngành, từng nhận giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật - nhận định: “Nếu muốn chọn hình ảnh hiệu trưởng, tại sao không phải thầy Tô Ngọc Vân, Trần Đình Thọ. Một ông thầy mới xuất hiện ở đó là không đúng”.

Liên quan đến vụ việc, hiệu trưởng Lê Văn Sửu phủ nhận chỉ đạo thực hiện phù điêu có hình ông. Mặc dù theo dõi quá trình từ phác thảo ý tưởng đến khi thực hiện, ông nói không nhìn thấy hình ảnh mình trong đó. Khi tác phẩm treo lên, ông mới nhận ra nhưng hội đồng chuẩn bị chấm điểm nên không thể phá bỏ.

Ông Lê Văn Sửu cho biết: “Hình ảnh xuất hiện trong tác phẩm này là tai họa với tôi. Tôi nói với thầy hướng dẫn, học viên làm vậy là hại tôi. Bạn ấy không xin phép sử dụng hình ảnh tôi và không lường trước hậu quả. Nhiều người nghĩ thầy Sửu đề cao bản thân nhưng tôi không kém nhận thức đến vậy”.

Trao đổi với ANTĐ, PGS.TS Lê Văn Sửu cho biết, để không gây xôn xao dư luận về vụ việc, sẽ có hai cách để xử lý bức phù điêu gây nhiều điều tiếng liên quan tới cá nhân ông. Thứ nhất, có thể dỡ bỏ tác phẩm, đưa vào nhà kho hoặc lớp học. Thứ hai, có thể chiều lòng dư luận mà sửa nhân vật chính trong tác phẩm là ông-Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thành một nhân vật khác.

Tuy nhiên, ở phương án thứ hai, ông Sửu lại phân trần: “Làm như thế thì rõ ràng là làm nhiều người hỉ hả nhưng với nghệ sĩ, cách làm này không thật sự thỏa đáng, mang chiều áp đặt quan điểm của số đông tới quan điểm của nghệ sĩ”.

Chính vì thế, là người đứng đầu nhà trường, PGS.TS Lê Văn Sửu sẽ lựa chọn phương án đầu tiên là dỡ tác phẩm ra khỏi vị trí hiện nay. Và công việc này sẽ sớm được thực hiện trong thời gian tới.

Chia sẻ

Bài viết

Sơn Ca (Tổng hợp)

Tin mới nhất