Học đường

Bong bóng đại học - gánh nặng tài chính đè vai sinh viên

Theo Zing
Chia sẻ

Bong bóng đại học giống điều hành kiểu công ty, vay nợ và chuyển gánh nặng tài chính cho sinh viên.

Bong bóng đại học là khái niệm được tranh cãi nhiều năm nay ở các nước. Nó đại loại chỉ việc người ta đổ đi học đại học, trả nhiều tiền như một khoản đầu tư tốt cho tương lai, nhưng ra trường thì chẳng thu lại lợi ích thiết thực nhiều, điển hình là không kiếm được việc làm.

Cuộc đua giữa các trường đại học 

Mô hình vận hành của đại học hiện tại tương tự các công ty, cư xử với sinh viên như khách hàng, mặc dù nhiều lãnh đạo đại học từ chối thừa nhận điều đó. Nó đang trở thành trào lưu mà người ta ưa chuộng. Tôi cũng thấy có người lên quảng bá mô hình điều hành đại học như công ty đó ở Việt Nam và coi đó là xu thế phải hướng tới.

Đã điều hành đại học như một công ty và hướng về yếu tố thương mại hóa mạnh thì tất yếu sẽ gánh lấy những khuyết điểm của các tổ chức dưới dạng công ty. Đó là phải chạy đua cạnh tranh bằng nhiều chiêu trò hơn là nhắm tới nâng chất lượng giảng dạy thật sự.

Áp lực cạnh tranh khiến các đại học phải chi nhiều tiền làm quảng bá và nuôi đội ngũ cán bộ quản lý (tăng nhanh hơn nhiều lần so với đội ngũ giảng viên). Các giảng viên phải lo đối phó chỉ tiêu được lượng hóa thay vì nghĩ cách nâng cao chất lượng giảng dạy thật sự. Đây là hệ quả của quản lý đại học như một công ty.

Đại học Bristol, Anh, là nơi tác giả bài viết làm việc

Và giống như một công ty, lãnh đạo đại học sẽ cố gắng tạo ra những thành tích có tính hình thức nhanh chóng nhất để lý giải vì sao họ đáng được trả lương cao.

Một trong những cách dễ nhất là đi xây khuôn viên trường đẹp, nâng chỉ tiêu số tiền chi ra trên một sinh viên, nâng diện tích đất sử dụng trên một sinh viên, và nâng thành quả nghiên cứu bằng cách chi tiền mạnh kéo các giáo sư ngôi sao của trường khác về (một dạng “mua” kết quả nghiên cứu).

Tất cả thứ đó là những chỉ tiêu giúp nâng xếp hạng đại học và để đưa vào các tờ rơi quảng cáo thành tích đại học phát đi ở các chiến dịch tuyển sinh.

Dĩ nhiên để có tiền tài trợ các hoạt động xây dựng hạ tầng, quảng bá, lôi kéo giáo sư ngôi sao và trả lương cao cho ban bè quản lý, các trường đại học phải đi vay nợ.

Một báo cáo nghiên cứu về tài chính của các đại học Mỹ năm 2016 ước tính chi phí lãi vay mà các đại học tư giàu có như Harvard, Princeton và Yale tăng từ mức 3% tổng chi hàng năm ở 2003 lên gần 7% trong năm 2012. Đây là tốp các trường giàu có, đóng góp của mạnh thường quân khá lớn.

Gần đây, giới truyền thông Anh ghi nhận sự bùng nổ nợ vay của các trường đại học ở Anh. Đại học Bristol vốn thuộc loại thận trọng cũng mới đi vay 200 triệu bảng để xây một khuôn viên mới ở trung tâm thành phố cho sinh viên sau khi Đại học Cardiff ở thành phố gần đó mới vay 300 triệu bảng mở rộng khuôn viên. Cuộc đua của các trường ở London thì không cần phải nói, đã kéo từ năm 2015 tới nay.

Tiền đâu để các trường đại học trả nợ? Đó là học phí của sinh viên.

Học phí - nguồn tài chính quan trọng

Ở cái thời mà ngân sách nghiên cứu từ chính phủ bị thu hẹp ở nhiều nước trong khi cạnh tranh tiền tài trợ nghiên cứu tư nhân ngày càng gay gắt, học phí là nguồn tài chính quan trọng hàng đầu cho đại học.

Phụ huynh nào dẫn con đi coi trường cũng thích những hào nhoáng như cao ốc hiện đại nhận diện bằng vân tay hay phòng thí nghiệm, phòng mô phỏng kinh doanh hoành tráng. Họ quên rằng chính mình sẽ phải trả thêm học phí để trường đại học có tiền trả lãi vay để xây dựng những thứ đó.

Sinh viên Anh hay Mỹ thường vay tiền học trước rồi ra trường kiếm việc trả nợ sau. Cho nên, bong bóng nợ vay của các trường đại học tất yếu đi kèm sự phình to của bong bóng nợ vay của sinh viên Anh và Mỹ. Giới phân tích tài chính đã cảnh báo bong bóng nợ vay của sinh viên Mỹ đang không còn an toàn nữa từ mấy năm nay.

Ở một góc độ nào đó, các đại học đang vận hành theo cách mà một câu lạc bộ bóng đá vận hành: Chi tiền mạnh tay vào hoạt động quảng bá, vay tiền lôi kéo ngôi sao, xây dựng trang thiết bị, khuôn viên trường thật đẹp, thật lớn mà không biết chắc tương lai sẽ ra sao. Đó là canh bạc hy vọng đến cuối năm mình sẽ được xếp hạng cao và tiếp tục thu hút nhiều “fan”, để rồi sẽ tăng học phí.

Có vẻ mọi thứ thật ảm đạm và giống như các đại học vỡ nợ đến nơi, bong bóng đại học sẽ “nổ”.

Thế nhưng, nếu nhìn lại mô hình vận hành gần giống với các câu lạc bộ bóng đá này, chúng ta cũng thấy một khía cạnh khác. Trường đại học cũng có thể tồn tại như cách mà các câu lạc bộ bóng đá tồn tại, vì họ còn người hâm mộ, vì xã hội có nhu cầu. Đó là chưa kể sự sàng lọc của cạnh tranh đại học không khắc nghiệt như bóng đá.

Một trường đại học rớt ra khỏi top 10, 20 hay 30 cũng không mất đi người hâm mộ thảm hại như bóng đá. Miễn là còn sinh viên vào học và đóng học phí, đại học vẫn có thể tồn tại và trả nợ.

Cho nên, không rõ đại học có phải đang trong tình trạng bong bóng hay không. Có thể đây chỉ là một cách tồn tại mới của đại học. Đại học ngày nào còn “fan” thì còn tồn tại, bất chấp người ta có chỉ trích nó ra sao, bảo là bong bóng đại học như thế nào.

Khủng hoảng đường lối

Trường đại học nói chung trên toàn cầu đang gặp vấn đề là khủng hoảng đường lối. Liệu đại học là một tổ chức nghiên cứu hay giảng dạy?

Đại học là phải nghiên cứu nhưng bây giờ chủ yếu kiếm tiền nhờ giảng dạy khi mà nguồn tài trợ nghiên cứu ở nhiều nước đang thu hẹp hoặc không thể tăng do các chính phủ cũng đang thiếu tiền.

Đại học dạy cái gì để sinh viên ra trường đi làm được? Một số bài báo gần đây chỉ ra đúng một vấn đề là đa số đại học dạy kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý một dự án, giải quyết vấn đề không tốt (kỹ năng mềm của người dạy còn chưa chắc tốt nữa là).

Nếu chỉ dạy kiến thức, nhiều ngành làm sao cập nhật được trong môi trường mà chính nhà tuyển dụng cũng không rõ 3 tháng tới công nghệ mới là gì, khi nào công nghệ mình vừa nghe tên như blockchain sẽ lạc hậu?

Vậy đại học phải dạy cái gì? Cấu trúc đại học đã trở nên quá kềnh càng để đưa một môn học mới/ngành học vào giảng dạy cho kịp thời đại (bạn sẽ không tin được những thủ tục để tôi có thể đưa một môn mới vào chương trình dạy ở một trường tại Anh hay Việt Nam mà tôi từng phải trải qua). Đó là chưa kể câu hỏi ai sẽ dạy?

Có người nói con đường giáo dục khai phóng của nhiều trường của Bắc Mỹ là cách để thích ứng thị trường này. Nhưng sự thật giáo dục khai phóng là một ý tưởng lãng mạn và số trường loại này đã sụt giảm đáng kể ở Mỹ và Canada, bị thay bằng những tiếp cận thực dụng hơn như dạy chuyên sâu nghề nghiệp hướng vào các ngành STEM để ra trường kiếm việc được ngay.

Quan trọng hơn đó là với giáo dục khai phóng, câu hỏi “ai sẽ dạy” còn khó trả lời. Có thể một số trường đại học tinh hoa có thể thu hút đội ngũ giảng viên chất lượng cao, biết dạy kiểu giáo dục khai phóng và với những sinh viên gia đình có điều kiện, không có áp lực cơm áo ngay khi ra trường, sẽ có thể thích ứng. Nhưng đây không phải giải pháp có thể nhân rộng cho đa số trường đại học.

ĐH Quốc gia Singapore là một trong những trường hàng đầu của châu Á Thành lập năm 1905, Đại học Quốc gia Singapore là viện đại học lâu đời và lớn nhất về số lượng sinh viên tại quốc đảo sư tử.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Zing

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất